
Xuân kháng chiến đầu tiên của Báo Cứu Quốc
-
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập chưa được bao lâu thì Thực dân
Pháp không ngừng gây hấn, thể hiện rõ ý đồ muốn quay trở lại xâm lược nước ta một lần
nữa. Trước bối cảnh đó, theo chủ trương của Trung ương, nhiều cơ quan đầu não, trong
đó có Báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, một tờ
báo uy tín và phát hành rộng rãi nhất lúc bấy giờ gấp rút di chuyển lên Chiến khu Việt
Bắc để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho một cuộc “trường kỳ kháng chiến”
Giấy chứng minh của Báo Cứu Quốc_Ảnh: TL
Những tuần cuối năm 1946, tòa soạn Báo Cứu Quốc làm việc khẩn trương, mọi người hiểu rằng chiến tranh đang đến gần.
Chủ nhiệm Xuân Thủy nói với các phóng viên: “Trung ương nhận định thế nào chiến tranh cũng nổ ra. Quân Pháp ngày càng lấn tới. Cuộc chiến sẽ rất ác liệt. Ta chưa lường được hết khó khăn. Các phóng viên phải làm việc như trong thời chiến”.
Không khí tại Hà Nội lúc này hết sức căng thẳng. Xe bọc thép, xe zip của quân Pháp chạy nghênh ngang khắp các phố. Trên nhiều tuyến phố, người dân tổ chức bãi công, bãi khóa để phản đối những hành động hiếu chiến của thực dân Pháp.
Bọn lính mũ nồi đen, mũ nồi đỏ của Pháp ngồi trên xe quân sự nhả đạn ở phố Cửa Nam rồi vừa chạy vừa bắn dọc phố Tràng Thi, đập phá một số nhà dân ở Hà Trung, đốt Nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền, xả súng vào nhà hàng bách hoá Gôđa.
Chúng thường uy hiếp ba cơ quan quanh hồ Hoàn Kiếm: Uỷ ban Hành chính Hà Nội, Nhà Bưu điện và Báo Cứu Quốc. Dù chúng trắng trợn, manh động như vậy nhưng bất cứ ở đâu có tiếng súng nổ, những phóng viên quả cảm của Báo Cứu Quốc đều tới ngay sớm nhất có thể để lấy tin.
Trụ sở Báo Cứu Quốc đóng tại số 114 phố Hàng Trống, Hà Nội, bên hồ Hoàn Kiếm (nay là báo Hà nội mới, số 44 Lê Thái Tổ). Trước ngày 19/8/1945, ngôi nhà này là trụ sở báo tiếng Pháp Action Francaise), bấy giờ vừa là tòa soạn, trị sự, nhà in báo vừa là văn phòng thường trực của Tổng bộ Việt Minh do Nhà báo Xuân Thủy và Trần Huy Liệu phụ trách.
Nhà báo Xuân Thủy giao nhiệm vụ cho toàn cơ quan: ra Báo Cứu Quốc hằng ngày trong bất cứ tình huống nào, kể cả khi có chiến tranh ác liệt. Báo vẫn in, phát hành ở Hà Nội, đồng thời phải chuẩn bị ba nhà in dự phòng ở ba nơi: Ngã ba Thá (tỉnh Hà Đông) một đầu mối giao thông thuận tiện, Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) căn cứ của Đinh Tiên Hoàng và Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) căn cứ của Hoàng Hoa Thám. Người phụ trách công tác vận chuyển máy in, giấy, mực và chuẩn bị các cơ sở in mới là đồng chí Lê Viên, người cùng bị tù ở Sơn La và cùng làm Báo Cứu Quốc thời kỳ bí mật với Chủ nhiệm Xuân Thủy.
Tháng 11/1946, Nhà báo Xuân Thủy đi họp về, thông báo việc phân công từng người vào từng bộ phận cụ thể khi xảy ra chiến tranh. Đại bộ phận cán bộ, phóng viên sẽ làm việc ở tòa soạn chính của Báo Cứu Quốc chuyển theo các cơ quan Trung ương Đảng ra ngoài Hà Nội. Một bộ phận nhỏ sẽ ở lại nội thành Hà Nội để làm Báo Cứu Quốc khổ nhỏ, hai trang.
Tòa soạn Báo Cứu Quốc “con” - gồm các nhà báo: Như Phong, Thép Mới, Nguyễn Đình Thi và Hồng Hà. Mỗi bộ phận bàn bạc riêng với nhau, giữ bí mật địa điểm làm việc thời chiến của mình, không để bộ phận khác biết. Nhóm ở lại nội thành Hà Nội làm báo được Thành bộ Việt Minh thành Hoàng Diệu cấp thẻ thông hành đặc biệt màu hồng cho phép đi lại dễ dàng đến mọi nơi trong thành phố.
Báo hàng ngày được xếp chữ ở nhà in phố Hàng Trống, đúc thành 2 bản khuôn chì cả 4 trang báo, một bản in ở Hàng Trống, một bản đưa đến nhà máy tư nhân thuê in vì nhiều máy in của báo đã dỡ đem đi khỏi Hà Nội. Tối đến, nhiều xe quân sự Pháp đỗ trước tòa báo, chĩa họng súng vào cửa nhưng tòa soạn vẫn làm việc bình thường, báo vẫn ra đều và được phát hành sớm. Không khí chuẩn bị cho cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô được nhà báo Hồng Hà, khi đó là phóng viên Báo Cứu Quốc nhớ khá rõ.
Ngày 17/12/1946, súng nổ ran ở mạn cửa Bắc thành Hà Nội. Bọn lính lê dương xả súng bắn vào đồng bào ta ở phố Hàng Bún. Tự vệ ta đánh trả quyết liệt. Thực dân Pháp kéo đến ngày càng đông, chúng ùa vào các nhà dân, tàn sát đàn bà, trẻ em. Lửa căm hờn ngút lên toàn thành phố. Báo Cứu Quốc số ra ngày hôm sau đăng xã luận: “Giờ nghiêm trọng sẽ đến bất thình lình! Nhân dân hãy tỉnh táo”.
Thành bộ Việt Minh thành Hoàng Diệu đăng lại hiệu triệu trên Báo Cứu Quốc: “Chúng ta hãy sẵn sàng để trả lời tất cả những mưu mô, tham vọng, những xảo quyệt, đê hèn; chúng ta sẵn sàng để làm cho những kẻ cố ý phá hoại hòa bình hiểu rõ rằng dân tộc Việt Nam không hèn! Hỡi đồng bào thủ đô! Giờ phút nghiêm trọng đã tới! Hãy sẵn sàng!”.
Phố Bạch Mai (Hà Nội) trong những ngày toàn quốc kháng chiến 1946. Ảnh: VOV
Trong những ngày này, cứ đến chiều tối, hầu hết cán bộ tòa soạn Báo Cứu Quốc lánh ra làm việc và ngủ ở ngoại thành, chỉ có nhà báo Hồng Hà được giao nhiệm vụ ở lại toà soạn phố Hàng Trống để trông nom việc ra báo.
Trong cuốn hồi ký Viết cùng năm tháng, nhà báo Hồng Hà bồi hồi nhớ lại: “... Khoảng 8 giờ tối ngày 20/12/1946, đèn điện phụt tắt, đạn đại bác réo trên đầu rồi tiếng súng các loại nổ ran khắp Hà Nội. Thế là chiến tranh! Các anh Thép Mới, Như Phong giao nhiệm vụ cho tôi quay lên phía Bờ Hồ đi viết tin, bài về cuộc chiến đấu ở các phố, tối đem về toà soạn. Tôi đi dọc phố Bạch Mai chui qua các lỗ tường đục thông từ nhà này sang nhà khác.
Nhân dân đã đi tản cư, không còn ai ở nhà. Đồ đạc, tài sản trong các gia đình còn nguyên vẹn. Tôi bám theo các chiến sĩ giữ các chiến lũy dọc phố Huế, phố Mai Hắc Đế rồi men theo các tường nhà đến gần chỗ quân ta đang chặn đánh xe bọc thép địch ở gần rạp chiếu bóng Magiextích (nay là rạp Tháng Tám, phố Hàng Bài).
Vài ngày sau, toà soạn và nhà in Báo Cứu Quốc “con” được lệnh dọn về làng Tó, tỉnh Hà Đông, đóng trong một căn nhà tranh của dân bên một dòng kênh. Trên sàn đất, chúng tôi ngồi viết bài, tin. Anh Nguyễn Đình Thi thì say sưa sáng tác bài hát về Hà Nội. Tối đến, anh gọi chúng tôi ra đứng trên bờ kênh nhìn về phía Hà Nội. Chân trời phía ấy đỏ rực. Hà Nội đang ngùn ngụt cháy, nhưng Hà Nội cũng đang quật lửa vào quân thù. Chúng tôi nhớ Hà Nội quá! Anh Nguyễn Đình Thi xúc động, quay vào nhà tiếp tục ghi những dòng nhạc mới về Hà Nội”.
Gần Tết âm lịch Đinh Hợi 1947, quân Pháp đánh chiếm rộng ra phía Nam Hà Nội. Báo Cứu Quốc “con” hoàn thành nhiệm vụ và kết thúc công việc, các phóng viên được gọi trở về tòa soạn chính của Báo Cứu Quốc đóng tại làng Viên Nội, thuộc huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông.
Lúc này, tòa soạn đang chuẩn bị số báo Tết và đây cũng là Tết kháng chiến đầu tiên. Trong cuốn hồi ký Báo Cứu Quốc 1942-1954, nhà báo Nguyễn Văn Hải, quản lý Báo Cứu Quốc cho biết: “Đêm giao thừa có bánh chưng, ít mứt kẹo, thuốc lá, nước chè. Sáng mồng Một Tết, toàn cơ quan họp mặt, có cả các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Tạo trên đường đi, tạt vào cùng dự. Mọi người xúc động nghe lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch đăng trên số báo đặc biệt in hai màu. Đồng chí Xuân Thủy chức mừng năm mới. Tất cả dự bữa cơm đầu xuân khá linh đình”.
Đấy là xuân kháng chiến đầu tiên của Báo Cứu Quốc. Kể từ đây, những chuỗi ngày vất vả, hiểm nguy trên con đường lên chiến khu bắt đầu. Tòa báo bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với một tâm thế hiên ngang, mỗi cán bộ, phóng viên đều ý thức được trách nhiệm của mình với vận mệnh của dân tộc. Vì vậy, Báo Cứu Quốc là tờ báo hàng ngày duy nhất trong kháng chiến, ra sớm và đều đặn nhất ngay từ khi kháng chiến nổ ra./.
THÀNH NAM

Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng

Người phóng viên dũng cảm, nhanh nhạy của Thông tấn xã giải phóng

Một số kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Mai Chí Thọ với công tác báo chí, tuyên truyền

Kẻ sát hại Che Guevara 54 năm trước qua đời

Hai lần gặp Trịnh Công Sơn
