Xây dựng mô hình tòa soạn số ở cơ quan báo mạng điện tử tại Việt Nam hiện nay

Dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi ngành nghề trong đời sống xã hội, nhất đối với lĩnh vực báo chí truyền thông. Sự xuất hiện của các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh (Smart phone), máy tính bảng, máy tính xách tay,... đã làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng. Giờ đây, người dùng có thể nhanh chóng tìm kiếm và đọc thông tin chỉ với vài lần chạm và lướt. Vì vậy, báo chí cũng cần tự thay đổi chính mình, tích cực chuyển đổi số để giữ vững và nâng cao vị thế trong lòng bạn đọc.
Các cơ quan báo mạng điện tử đều đã có những bước tiến nhất định trong quá trình chuyển đổi số. Công nghệ AI đã được tích hợp, nhiều sản phẩm báo chí hiện đại ấn tượng đã ra đời thu hối đa dạng đối tượng bạn đọc,... Tuy nhiên những điều này vẫn chưa đủ để tạo nên một cuộc cách mạng số trong báo chí, cũng như hoàn thiện xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo mạng điện tử tại Việt Nam.
Để thực hiện thành công quá trình này, các cơ quan báo mạng điện tử cần nhìn nhận nghiêm túc, đúng đắn về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng mô hình tòa soạn số. Dựa vào tình hình chung, căn cứ vào đặc điểm của cơ quan mà đưa ra kế hoạch phát triển sao cho phù hợp, hiệu quả.
Một số vấn đề lý thuyết về mô hình tòa soạn số ở các tờ báo điện tử
Để hiểu được khái niệm “mô hình tòa soạn số của báo mạng điện tử” cần hiểu được khái niệm “mô hình tòa soạn số” và “báo mạng điện tử”.
Trước hết, khái niệm “báo mạng điện tử” đã được quy định và định nghĩa rõ ràng và chi tiết. Điều 3 Luật Báo chí 2016 có nêu: “Báo mạng điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử” [2, tr.2].
Tác giả Hoàng Nam Giang cũng đã đưa ra định nghĩa về báo điện tử trong luận văn thạc sĩ của mình. Tác giả cho rằng: “Báo điện tử là một loại hình báo chí truyền thông được xây dựng theo hình thức một trang web, ứng dụng rất nhiều công nghệ khoa học và kỹ thuật hiện đại, nó hoạt động được nhờ các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, số hóa, các dịch vụ và các phần mềm ứng dụng và được phát hành dựa trên nền tảng internet” [3, tr.20].
Từ các khái niệm trên, có thể hiểu chung rằng, báo mạng điện tử là một loại hình báo chí được xây dựng theo hình thức một trang web, phát hành trên nền tảng mạng internet và vận hành nhờ các yếu tố công nghệ - kỹ thuật hiện đại. Ngày nay, các cơ quan sản xuất báo mạng điện tử phát triển. Báo mạng điện tử cũng thường được dùng để chỉ các cơ quan, tòa soạn báo sản xuất và phát hành báo mạng điện tử.
Về khái niệm mô hình tòa soạn số, tác giả Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng: “Mô hình tòa soạn số ứng dụng các thành tựu công nghệ số, báo chí dữ liệu và truyền thông đa phương tiện được mô tả với các thành tố sau đây: (1) Chủ thể truyền thông; (2) Dữ liệu đa phương tiện; (3) Chương trình tương tác; (4) Thành tựu cách mạng công nghệ; (5) Sản phẩm – kênh – nền tảng truyền thông đa phương tiện; (6) Công chúng truyền thông đa phương tiện; (7) Dự án phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện; (8) Truyền dẫn và hệ thống điều khiển.” [1, tr.12-15-20].
Tác giả Lê Xuân Trung cho rằng: “Tòa soạn số là mô hình hoàn chỉnh từ khâu đầu vào đến đầu ra trong một hệ thống quản trị nội dung được ứng dụng công nghệ tương thích với quy mô, tính chất và mục tiêu của một cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng” [4, tr 44]
Có thể thấy, khái niệm mô hình tòa soạn số có nhiều điểm tương đồng với khái niệm tòa soạn số. Tác giả rút ra khái niệm chung như sau: Mô hình tòa soạn số là cách thức tổ chức, vận hành hoạt động của một cơ quan báo chí có sự tích hợp toàn diện của các ứng dụng công nghệ - kỹ thuật trong mọi hoạt động của cơ quan báo chí – truyền thông đó.
Như vậy, có thể rút ra định nghĩa chung về mô hình tòa soạn số của báo mạng điện tử. “Mô hình tòa soạn số của báo mạng điện tử” là khái niệm dùng để chỉ hình thức tổ chức, vận hành, hoạt động dựa trên sự tích hợp, hội tụ công nghệ toàn diện của các cơ quan báo chí, truyền thông sản xuất và phát hành báo mạng điện tử.
Thuận lợi và khó khăn trong xây dựng mô hình tòa soạn số của báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, thuận lợi khi xây dựng mô hình tòa soạn số ở các cơ quan báo mạng điện tử. Mô hình tòa soạn của các tờ báo điện tử Việt Nam hiện nay đang từng bước phát triển và hình thành nhiều mô hình khác nhau: mô hình tòa soạn hội tụ và mô hình hội tụ đa phương tiện. Ưu điểm của các mô hình này chính là tạo ra không gian lý tưởng cho việc sản xuất đa dạng các sản phẩm báo chí – truyền thông cũng như tận dụng tối đa nguồn lực. Các tòa soạn đã ý thức được sâu sắc và vạch ra nhiều hướng đi cụ thể nhằm tái tổ chức tòa soạn theo mô hình này. Từ đó, một cơ quan báo chí có thể xuất bản đa dạng các ấn phẩm, tham gia đa dạng các kênh truyền thông nhằm tăng giá trị truyền thông từ các hoạt động của cơ quan mình. Báo mạng điện tử có thể phát huy thế mạnh và nâng cấp các sản phẩm báo chí bằng cách tích hợp các yếu tố đa phương tiện, thu hút người dùng, tăng giá trị truyền thông cho báo. Ngoài ra, các tòa soạn báo mạng điện tử đã mạnh dạn tham gia các nền tảng truyền thông xã hội, mạng xã hội, kết hợp với các công ty này để tăng khả năng tiếp cận công chúng, mở rộng đối tượng người đọc, từ đó dần dần cạnh tranh với các thông tin khác trên môi trường truyền thông số.
Mô hình tòa soạn của báo mạng điện tử có sự xuất hiện rõ nét, rộng rãi của yếu tố công nghệ - kỹ thuật. Những thành tựu tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, hệ thống lưu trữ đám mây, hệ thống quản trị nội dung CMS, Chatbot,... đã được các tòa soạn ứng dụng trong hoạt động của đơn vị nhằm rút ngắn thời gian làm việc và tăng hiệu suất công việc. Có thể thấy, các tòa soạn báo mạng điện tử đã nhận thức được vai trò, hiệu quả của yếu tố công nghệ - kỹ thuật trong hoạt động báo chí truyền thông và mạnh dạn đầu tư ứng dụng các thành tựu này vào hoạt động của tòa soạn. Không chỉ trong hoạt động sản xuất, xuất bản báo chí mà tòa soạn báo mạng điện tử cũng đã mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt khác như khai thác công chúng, phân tích dữ liệu người dùng, lưu trữ cơ sở dữ liệu của cơ quan,... Các nhà quản trị đã nhìn nhận nghiêm túc về các vấn đề này và mạnh tay đầu tư.
Một ưu điểm khác chính là môi trường làm việc của các tòa soạn báo mạng điện tử trẻ trung, năng động, thu hút nhiều nhân sự. Môi trường này cũng góp phần phát huy khả năng sáng tạo, hợp tác giữa các phóng viên, nhà báo, biên tập viên đang làm việc tại cơ quan báo chí này. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tòa soạn. Văn hóa làm việc trẻ trung, năng động; môi trường làm việc thoải mái là điều kiện thúc đẩy tuyệt vời cho mỗi nhân sự phát huy hết khả năng của mình.
Các mô hình tòa soạn báo của báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay là nền tảng thuận lợi giúp phát triển mô hình tòa soạn số. Các yếu tố trong mô hình tòa soạn số đang dần hình thành và hoàn thiện nhanh chóng.
Thứ hai, một số thách thức khi xây dựng mô hình tòa soạn số ở cơ quan báo mạng điện tử. Mô hình tòa soạn báo mạng điện tử ở Việt Nam đang tăng cường chuyển đổi số hằng ngày. Bên cạnh những thuận lợi, quá trình xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan này cũng gặp phải một số thách thức như sau:
Một là, các yếu tố công nghệ xuất hiện mạnh mẽ, rõ ràng nhưng rời rạc và thiếu tính liên kết. Dù trong mô hình tòa soạn hội tụ hay tòa soạn đa phương tiện, các cơ quan báo chí đều đang hoạt động dựa trên các công cụ do nhiều bên thứ ba cung cấp mà không thể trực tiếp tham gia điều chỉnh, sửa chữa các công cụ này. Như vậy, để có thể làm việc và thao tác nhân sự cần làm quen với nhiều nền tảng, phần mềm, giao diện khác nhau dẫn đến sự bất cập, tốn thời gian. Hơn nữa, các công cụ này có tính liên kết thấp, khó tương tác với nhau, không tối đa được hiệu suất làm việc và hiệu quả khi ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong hoạt động sản xuất tin, bài báo chí truyền thông.
Hai là, vấn đề an ninh công nghệ - kỹ thuật vẫn chưa thực sự đảm bảo. Hoạt động dựa trên công cụ của quá nhiều bên thứ ba khiến các tòa soạn báo dễ rơi vào tình cảnh bị tấn công mạng hay bị đánh cắp thông tin, đánh tráo thông tin. Hơn nữa, các cơ quan báo mạng điện tử cũng khó có thể kiểm soát điều này. Khi một trong các bên thứ ba cung cấp công cụ sử dụng trong tòa soạn bị tấn công, hoạt động có sử dụng công cụ đó sẽ bị ảnh hưởng, gây rối loạn hoạt động của toàn bộ tòa soạn báo chí. Càng nhiều bên thứ ba sẽ khiến nguy cơ này gia tăng và khó kiểm soát hay đưa ra phương án ứng phó phù hợp.
Ba là, nhân sự trong mô hình tòa soạn tuy làm việc trong môi trường tốt, văn hóa trẻ trung, sáng tạo nhưng khả năng hợp tác, phối kết hợp chưa cao. Hầu hết các phóng viên, nhà báo vẫn đang độc lập thực hiện các đề tài mà thiếu sự chia sẻ hay trao đổi cũng như hợp tác. Tình trạng 2 – 3 phóng viên trong cùng 1 báo lấy cùng nguồn tin là vô cùng phổ biến. Điều này gây rò rỉ nguồn nhân lực, chưa phát huy được hết tiềm năng. Nhà quản trị cơ quan báo cũng khó kiểm soát các hoạt động này.
Bốn là, tài chính của các cơ quan báo chí chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số và tiến tới là xây dựng mô hình tòa soạn số. Xây dựng mô hình tòa soạn số cần nguồn ngân sách lớn cho việc phát triển hệ thống công nghệ - cốt lõi của mô hình tòa soạn số. Tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh một số cơ quan báo chí lớn đã có chỗ đứng vững trong lòng bạn đọc, một số tờ báo, tạp chí vẫn còn lao đao khi tự chủ kinh tế. Đây cũng là một trong những bài toán lớn nhất mà các cơ quan báo chí điện tử cần tìm ra lời giải khi xây dựng mô hình tòa soạn số.
ThS Nguyễn Thị Linh Chi
------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Đỗ Thị Thu Hằng (2023), Báo chí số và tòa soạn số, Kỷ yếu Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Công nghệ bưu chính và viễn thông, tổ chức tại Hà Nội.
- Khoa Báo chí (2017), Tư liệu cơ sở lý luận – thực tiễn về hội tụ truyền thông và tòa soạn hội tụ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
- Hoàng Nam Giang (2023), Quản trị vấn đề an ninh mạng tại các cơ quan báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
- Lê Xuân Trung (2023), Mô hình tòa soạn số ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Công nghệ bưu chính và viễn thông, tổ chức tại Hà Nội.
Tin tức liên quan
- Truyền thông giá trị văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trên báo mạng điện tử hiện nay (03:45 28/04/2025)
- Sự thay đổi phương thức sáng tạo nội dung số trên các sản phẩm Báo Nhân Dân (04:37 18/03/2025)
- Nhà báo tuyên truyền lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (05:51 10/01/2025)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay (04:13 27/12/2024)
- Thực trạng và giải pháp tạo nguồn thu cho báo mạng điện tử ở Việt Nam (10:22 28/11/2024)