Việt Nam - niềm tin và khát vọng

22/01/2023, 05:01

Việt Nam - niềm tin và khát vọng - Khát vọng Việt Nam, niềm tin Việt Nam..., những từ ghép đặc biệt này có lẽ chỉ có ở dân tộc đã cùng nhau đoàn kết đi qua cuộc trường chinh vệ quốc trong dặm dài lịch sử - dân tộc Việt Nam. Giá trị của độc lập trở thành nguồn sức mạnh nội sinh vô giá tiếp sức cho niềm tin và khát vọng mang tên Việt Nam.

Việt Nam - niềm tin và khát vọng_Ảnh:TL.

1. Đi qua hai thế kỷ giữ nước và dựng nước, dấu ấn hơn 35 năm đổi mới mang hành trình hiện thực hóa khát vọng Hồ Chí Minh - khát vọng Việt Nam. Từ khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc tiến đến khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, giàu mạnh đã và sẽ là một tiến trình đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta dốc lòng thực hiện; phát huy cao độ ý chí, sức mạnh Việt Nam. Khát vọng ấy hàm chứa sự cô đúc những tư tưởng cốt lõi, là động lực tinh thần mãnh liệt, là cả sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu đổi mới và phát triển bền vững.

Khát vọng Việt Nam, khát vọng phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước được nhấn mạnh, nổi bật và bao trùm trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Khát vọng Việt Nam được Đảng ta xác định trong cả tầm nhìn dự báo và định hướng phát triển; thể hiện trong các nhiệm vụ trọng tâm; khát vọng phát triển gắn liền với đổi mới và hội nhập quốc tế. Đảng nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”(1) . Nhìn lại mục tiêu chúng ta phấn đấu, chúng ta hành động, suy cho cùng đều vì lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, lấy sự “giàu có” của nhân dân, hạnh phúc của nhân dân làm thước đo sự phát triển, làm đích đến của khát vọng Việt Nam.

Nghị quyết về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định: Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Và mới đây, khi chia sẻ các nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Xây dựng ba trụ cột gồm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; phát triển dựa vào nguồn lực bên trong (con người, văn hóa, truyền thống...) là chiến lược, cơ bản, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài (nguồn vốn, công nghệ...) là quan trọng, đột phá. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trên nền tảng ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; mọi chính sách đều hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển.

Một dân tộc bước ra từ cuộc trường chinh cứu nước với muôn vàn khó khăn, thách thức. Song, bằng tất cả sự quyết tâm, đồng lòng, kiên định, nhất quán tuân theo đường hướng, chiến lược phát triển đất nước vì lợi ích nhân dân, thành quả phát triển kinh tế của Việt Nam hơn 30 năm qua với quy mô kinh tế tăng gấp 400 lần, hệ thống 15 FTA rộng khắp... Hơn hai năm đại dịch Covid-19, một lần nữa thử thách ý chí, tinh thần Việt Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả, Việt Nam trở thành nước đứng thứ hai thế giới về phục hồi sau dịch, là một trong số ít nền kinh tế phục hồi mạnh năm 2022 và triển vọng tích cực năm 2023.

Chúng ta đang ở vào những thời khắc lịch sử, phát huy nội lực, tận dụng mọi nguồn lực để thực thi sứ mệnh hiện thực hóa khát vọng Việt Nam nên đòi hỏi cao về bản lĩnh, trách nhiệm, tình cảm của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ “rường cột” của Đảng và Nhà nước, những “Bao Công” của thời đại ngày nay.

2. Trước mỗi thách thức, để chiến thắng, niềm tin luôn được coi như yếu tố đặt cược. Việt Nam đã đi qua cuộc trường chinh dân tộc bằng tinh thần quyết thắng, bằng niềm tin đất nước độc lập, hòa bình. Hôm nay, cả dân tộc đang hướng về phía trước, với khát vọng vươn lên mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao đưa đất nước lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì một nước Việt Nam cường thịnh. Niềm tin đang mang đến những giá trị to lớn cho tinh thần toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, với sức cổ vũ lớn lao. Niềm tin ấy chính ở sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân với Đảng, Chính phủ, Nhà nước.

Là động lực của khát vọng, niềm tin rất cần được nuôi dưỡng và không ngừng bồi đắp. Đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, như một sự phát triển tất yếu, cũng là khi những tiêu cực nảy sinh. Tham nhũng, tiêu cực trở thành ung nhọt quốc gia, làm tổn hại niềm tin, giảm sức chiến đấu của dân tộc. Làm sao để không có vùng cấm cho tham nhũng, cửa quyền, quan liêu? Làm sao để giữ được niềm tin với dân? Công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm” với tinh thần kiên trì, không “ngừng” không “nghỉ”, thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 10 năm, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Những tháng cuối năm 2022, khi tâm bão Covid-19 vừa lắng xuống, sau hơn hai năm gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bào mòn; đồng thời, phải đối phó với các cú sốc lớn từ bên ngoài nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế, song, bằng các biện pháp chỉ đạo kịp thời, phản ứng chính sách nhanh, hiệu quả của Chính phủ, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình đang ổn định trở lại, tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố.

Dự báo tình hình sắp tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Yêu cầu đặt ra là phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải phù hợp tình hình. Song, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, với tinh thần tất cả mọi chính sách được xây dựng, thi hành để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thì đất nước sẽ phát triển hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thiết nghĩ, niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin được lan tỏa thì vốn xã hội cũng sẽ đầy. Và nói cho cùng, giá trị của niềm tin được định vị không đâu lớn bằng, mạnh mẽ bằng hai tiếng “vì dân”. Việt Nam đang làm đầy lên những giá trị bằng niềm tin mạnh mẽ của chính cách thức đối diện với khó khăn, cách giải quyết thách thức, cách hướng đến mục tiêu cao cả của đất nước.

3. Nhân dân trở thành trung tâm của phát triển bền vững cùng ước nguyện đất nước cường thịnh. Hôm nay, chúng ta đang trên tiến trình làm giàu có hơn vốn liếng của dân tộc. Tiến trình ấy sẽ còn vô vàn những gian nan, thử thách, cam go.

Trong hoạch định đường lối, Việt Nam thể hiện tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - dấu mốc lịch sử 100 năm thành lập nước. Thời gian không chờ đợi những ai mang tư duy chậm tiến, chùn bước, bàn lùi. Mốc thời gian đã điểm, trách nhiệm của chúng ta là phải kiên quyết đổi mới, kiên quyết thực hiện. Năm 2023 cũng là năm thứ ba Việt Nam thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2022.

Trong đó, việc hoàn thiện thể chế được coi là một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là vấn đề hệ trọng, là trách nhiệm chính trị - đạo đức và pháp lý của Đảng cầm quyền đối với sự phát triển của dân tộc và cuộc sống của nhân dân. Hội nghị Trung ương 6 đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh, hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thượng tôn hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử và văn hóa trong xã hội. Thực hiện nhất quán nguyên tắc, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Để hoàn thành mục tiêu trước mắt và lâu dài, đòi hỏi phải bám sát thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thời đại Hồ Chí Minh, khát vọng Việt Nam đã và đang là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho ý chí, sức mạnh Việt Nam. Chúng ta giữ vững tâm thế của một dân tộc đã kiên cường đấu tranh cho hòa bình, độc lập và tự do, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách để thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, thực hiện bằng được mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hà Giao

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,tr.5