
Vang xa tiếng rèn Đa Sỹ
Xuất hiện vào cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVII, làng rèn Đa Sỹ đã trở thành một làng nghề truyền thống không chỉ khắp trong Nam ngoài Bắc mà còn đến với bạn bè quốc tế như một thương hiệu truyền thống nổi tiếng của Việt Nam.
- Làm rõ phản ánh phá rừng phòng hộ tại Phú Yên
- Tăng cường kiểm tra, giám sát tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
“Cứ có nghề vững, không lo chết đói”
Về làng nghề Đa Sỹ, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước những hình ảnh từ người già đến trẻ, nam hay nữ đều có thể làm rèn. Giữa cái nắng oi ả đầu hè, tiếng búa, tiếng hàn cùng tiếng trò chuyện vui vẻ làm rộn ràng cả một ngôi làng nhỏ.
Ngồi một mình bên chiếc máy làm dao, chị Trang vừa thoăn thoắt đôi tay của một người thợ lành nghề, vừa trò chuyện: “Tôi biết làm dao từ khi còn chưa lấy chồng. Ban đầu, khi chưa có máy, cả nhà đều phải làm thủ công. Mỗi ngày chỉ độ vài con dao, nóng nực và rất vất vả. Từ ngày có thiết bị hiện đại hỗ trợ, nhà không phải thuê thêm người làm mà số lượng dao làm ra cũng nhiều hơn trước. Thu nhập của gia đình hàng tháng tầm 15 triệu đồng”. Cũng theo chị, làng hiện tại sử dụng máy móc là chính, ít lao động chân tay, cũng vì thế mà hàng hóa là ra có nhiều loại phân theo chất lượng và nhu cầu của khách hàng.
Chị Trang bên công việc truyền thống lâu đời của mình
Ông Trịnh Văn Thiều, người được xem là một trong những thợ giỏi của làng cho biết: Bắt tay vào công việc từ 5 giờ sáng, cứ miệt mài bên những chiếc dao, kéo và trau chuốt nó theo đúng yêu cầu của khách hàng. Với ông, việc làm dao vừa như một hình thức giữ lại nghề truyền thống mà ông cha đã truyền lại, vừa là kế sinh nhai cho cả gia đình: “Nhà tôi chuyên làm hàng đặt cho khách, không sản xuất hàng đại trà. Mỗi ngày, trừ chi phí bỏ ra cũng được tầm 700 ngàn”.
Theo người dân ở đây, dao kéo Đa Sỹ được thương nhân khắp nơi tìm đến thu mua. Tiếng lành đồn xa, những ngày giáp tết, cả làng cuốn theo những đơn đặt hàng gấp rút phục vụ nhân dân cả nước. Từ Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, thậm chí có cả Đức, Pháp và các nước ASEAN ưa chuộng.
Nhiều thanh niên của làng nghề Đa Sỹ hiện nay vẫn tâm huyết với nghề
Ông Đinh Công Đoán, người đầu tiên được nhận danh hiệu Nghệ nhân của làng nghề truyền thống hồ hởi: “Bằng cái tâm của một người lính cùng với lòng ham học hỏi, tôi luôn trăn trở để tìm ra những phương pháp sản xuất tiến bộ, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, dù dao của gia đình tôi có thể đắt từ 2 đến bốn lần nơi khác nhưng thương lái cũng như người dân vẫn tin tưởng và ủng hộ”.
Hằng năm, Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ đều tổ chức những lớp học dạy nghề cho thanh niên. Mỗi lớp có từ 36 đến 50 người. Mục đích của những lớp học này đó là nhằm nâng cao tay nghề cho người dân. Đồng thời, cải thiện chất lượng sản phẩm. Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc nội lẫn các nước khác.
Cần sớm có khu sản xuất riêng
Điều dễ nhận thấy khi bước chân vào ngôi làng có truyền thống về nghề rèn lâu đời đó là, tiếng búa, tiếng hàn cùng muội than vương vải khắp nơi đã khiến cho môi trường nơi đây bị ảnh hưởng ít nhiều. Đứng trước thực trạng trên, lãnh đạo địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo đề án xây dựng một khu sản xuất riêng biệt tách rời nơi sinh hoạt cuả các hộ gia đình. Dự kiến đến năm sau sẽ được hoàn thành.
Sau khá nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất cũng như việc bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư cho máy móc, người dân thực sự cần một nơi để tập trung làm nghề. Ông Hoàng Sỹ Định cho biết: “Diện tích lò của gia đình nhỏ, muà hè buộc phải làm “nóng” một ngày, còn những ngày khác làm các công đoạn nguội bên ngoài”
Có một nơi sản xuất chung là nguyện vọng của rất nhiều hộ sản xuất ở Đa Sỹ
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ Đinh Công Đoán: “Tiếng ồn và rác thải sinh hoạt đã gây ô nhiễm môi trường cho người dân ở đây. Hơn nữa, hiện nay đa số các lò rèn đều của các hộ gia đình tự sản xuất nên quy mô khá nhỏ, việc đưa thiết bị vào hỗ trợ gặp phải không ít khó khăn. Cần một mặt bằng rộng rãi và biệt lập là nhu cầu bức thiết nhất của nhân dân làng rèn hiện nay”.
Đa Sỹ hôm nay đã và đang vươn mình trở thành làng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. Đó không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Đa Sỹ mà còn là niềm vinh dự của Việt Nam trên thị trường quốc tế với bạn bè thế giới.
Ngọc Huyền

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
