Từ Huế đến Điện Biên

22/04/2020, 23:29

Từ Huế đến Điện Biên - Ở tuổi 94, thương binh loại đặc biệt, hai lần bị thương trong đánh Pháp và đánh Mỹ song người chiến sĩ Điện Biên Đoàn Văn Diệm vẫn quyết tâm vượt chặng đường cả 2.500km đi và về để thăm lại chiến trường xưa và những đồng đội của ông đang nằm lại đó quả là một quyết định “khó khăn nhất trong cuộc đời”, bởi vì tình hình sức khỏe của vị đại lão quân này không cho phép.

Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa bên Hầm Đờ-Cát.

Quyết định táo bạo

- Tướng Giáp còn có quyết định “kéo pháo ra” khó biết mấy mà còn làm được, huống chi ba quyết định lên Điện Biên… Đi! Ba đi còn có một số đồng chí của ba nữa đó…

Sau khi bàn bạc cùng Hội Chiến sĩ Điện Biên Phủ TP. Huế, vợ chồng anh Đỗ Thanh Dự và Đoàn Thị Ái (Bác sĩ - con gái của cụ Diệm), nhận trách nhiệm tháp tùng chuyến đi. Cụ Huỳnh Văn Kề, 81 tuổi, vừa mới ra viện vì bệnh cao huyết áp cũng bất ngờ tham gia đoàn, mặc dù vợ con ra mực can ngăn. Cụ nói "linh hồn các liệt sĩ Điện Biên sẽ phù trợ cho mọi người trong chuyến thăm lại chiến trường xưa này, không lo đâu”… Tinh thần “Điện Biên” của các cựu binh chiến sỹ Điện Biên vậy đó, sao không cảm kích được.

Sáng 23/4/2014, đoàn lên đường. Lần đầu tiên được đi lại trên con đường mới Hồ Chí Minh, con đường mòn năm xưa hành quân vào Nam đánh Mỹ, các cụ bồi hồi lắm. Những câu chuyện về Trường Sơn đan xen chuyện chiến trường Điện Biên năm xưa, chuyện quê hương bên đường đổi mới làm không khí của ngày đầu chuyến đi thật háo hức, thần thái của các cụ cũng tươi tắn hẳn lên.

Rồi chuyện đào giao thông hào đánh địch, chuyện kéo pháo, chuyện dẫn giải tù binh Pháp…là những câu chuyện ký ức hào hùng khắc ghi trong tâm can mỗi người, khiến đoạn đường xa thêm ngắn lại.

Trưa 23/4, xe vượt đèo Đá Đẽo (Minh Hóa - Quảng Bình) đến thị trấn Hương Sơn (Hà Tĩnh) xe gặp sự cố. Thông tin được truyền về, “ lệnh” từ Huế ra: thay xe. Đoàn dừng lại một đêm ở Hà Tĩnh đợi xe mới thay thế. Tất cả phải đảm bảo an toàn chuyến đi. Cụ Tửu gọi điện ra cho cụ Hiền trưởng đoàn. Xe 75H 00244 tiếp viện từ Huế đi suốt đêm cho kịp giờ tiếp tục xuất phát.

Biết ngày 24/4 là ngày sinh lần thứ 60 của tôi, đoàn đã tổ chức sinh nhật dã chiến cho tôi bằng bữa cơm vui vẻ. Cụ Hiền Trưởng đoàn nói: “Ấn tượng đó nghe, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, Tâm Hành tròn tuổi 60, đi ra Điện Biện bằng xe số…244, sự trùng lặp dễ nhớ ha…”. Tôi bỗng nhớ lại mấy câu thơ tự sáng tác hồi còn là học sinh phổ thông:

 “Ngày mẹ sinh con,

 Cha đã mang Điện Biên về với mẹ

Cái lớn lao con nhận từ thuở bé

Và theo con đi suốt cuộc đời”

Trưa xe chạm đích KM0 đường Hồ Chí Minh ở Tân Kỳ (Nghệ An). Cũng chính từ đây, năm 1964, Chiến sĩ Điện Biên Phủ Đoàn Văn Diệm đã bắt đầu cuộc hành quân vào Nam chiến đấu, lập nên chiến công vang dội trận đầu thắng Mỹ ở Bình Giã, Bà Rịa - Vũng Tàu (12/1964). Đúng 10 năm sau trận Điện Biên Phủ, lính Điện Biên đã cho quân xâm lược Mỹ nếm đòn.

Hành quân qua những địa danh lịch sử

Ba Chiến sĩ Điện Biên trước tấm bia chiến tích trên cánh đồng Mường Phăng.

Nơi gặp địa danh lịch sử đầu tiên, ấy là Ngã ba Cò Nòi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử này, Sơn La có một vị trí rất quan trọng, được coi là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là con đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, khu III, khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ.

Đồng thời, Sơn La cũng là một hậu phương lớn, gần chiến trường nên việc tiếp tế sức người, sức của cho chiến dịch thuận lợi hơn.

Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rằng: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. "Từ tháng 1/1954, những cuộc oanh tạc các đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ ngày càng ác liệt, có trận dùng tới 39 máy bay ném bom B26, 5 máy bay 4 động cơ Privateer và 21 máy bay khu trục thuộc hải quân, ném hàng trăm tấn bom trên những đoạn đường bị nghi ngờ.

Lần đầu tiên trong các trận oanh tạc, Mỹ đã cho Pháp sử dụng loại máy bay vận tải cỡ lớn packet C.119 (78 chỗ ngồi) để thả bom napan. Mỗi chiếc mang được 9 thùng chứa 90 bình napan.

Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa quốc lộ 41 (quốc lộ 6) với quốc lộ 13 (quốc lộ 37) là một thung lũng hẹp và sâu, 2 bên là đồi đất, nằm ở tọa độ rất thuận lợi cho không quân Pháp đánh phá. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công... từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này.

Với tinh thần cả nước phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng đội thanh niên xung phong Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho đội Thanh niên xung phong 40 trực tiếp bám trụ phục vụ tuyến đường từ Yên Bái đến ngã ba Cò Nòi. Đội Thanh niên xung phong số 40 gồm 10 đại đội với tổng quân số khoảng 1.500 người, trực tiếp làm nhiệm vụ tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi là các đại đội 300, 301, 303 và 403. Máu của 100 liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh anh dũng tại ngã ba lịch sử này đã tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.

Các chiến sĩ Điên Biên năm xưa bồi hồi chia sẻ với phóng viên những câu chuyện vẻ vang về chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Có lên Tây Bắc mới hay núi non trùng trùng, điệp điệp. Đến ngã ba đi Mường Phăng, vẳng từ đâu tiếng hò zô ta, hò zô ta… kìa bộ đội ta đang hò kéo pháo. Dáng của các anh đã tạc vào vách núi sừng sững, oai hùng. Cụm tượng đài kéo pháo bằng tay đã được xây dựng. Câu chuyện được kể lại:

Xe chở pháo của bộ đội ta lên chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ chuyển pháo tới cửa rừng Nà Nham (km69 đường Tuần Giáo vào Điện Biên) vì tiếng máy ô tô nổ trong đêm dễ bị phát hiện lại đi qua một số nơi có hỏa lực mạnh và hệ thống lô cốt, hầm ngầm của địch, đại đoàn 308, một đại đội Sơn Pháo, một tiểu đoàn công binh được giao nhiệm vụ mở đường kéo pháo bằng tay. Với chiều dài 15km, chiều rộng 3m chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới Bản Nghễu được mở mới hoàn toàn.

Để bảo đảm bí mật, nó phải được ngụy trang toàn bộ, không cho máy bay trinh sát địch phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày, một đêm. Ta đã rải bộ đội suốt dọc đường, làm xong trong 20 giờ. Đây là một con đường kéo pháo khá dài nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Trên con đường ấy ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, vượt qua những đoạn đường núi cheo leo, hiểm trở, dốc cao, vực sâu lại bị máy bay và pháo địch cản trở để đến được hầm trú ẩn dành cho pháo đã được ngụy trang từ trước. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới có một con đường kéo pháo bằng tay độc đáo đến như vậy.

Trên đường kéo pháo ra, qua dốc Chuối với độ nghiêng khoảng 70 độ, dây tời bị đứt, pháo đang đà lao xuống vực. Anh Tô Vĩnh Diện đã không ngần ngại ôm chèn lao vào bánh pháo. Đồng đội anh cũng lao vào giữ pháo. Pháo được cứu nhưng anh thì đã nằm xuống trên con đường kéo pháo huyền thoại. Đồng đội nghiêng mình trước anh linh của người khẩu đội trưởng tuổi đời 26. Một lời thề chiến đấu hi sinh theo gương anh lan truyền khắp núi rừng Tây Bắc.

Cụ Hiền ngồi ở hàng ghế đầu khe khẽ hát “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi; Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...” (lời bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân).

17 giờ ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn với việc 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm đồng loạt bắn cấp tập 2000 quả đạn vào cứ điểm Him Lam.

Sau Him Lam, các cứ điểm còn lại ở phân khu Bắc tiếp tục bị tấn công và chịu chung số phận. Lực lượng pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt hơn 10.000 quả đạn nhưng không gây được chút tổn thương nào cho các khẩu pháo của ta.

Còn pháo của ta chính xác đến mức rót trúng đầu nhiều hỏa lực địch, khiến viên chỉ huy pháo binh Pháp Charles Piroth hoảng sợ, nhục nhã tột độ và đã dùng lựu đạn tự sát ngay trong hầm chỉ huy của mình ở Điện Biên Phủ. 

Bên chiến hào Điện Biên năm xưa

Những phút nghỉ ngơi, cùng ôn lại câu chuyện chiến đấu trên đồi A1 của các chiến sĩ Điện Biên xưa.

Xe dừng lại trên đỉnh đèo Pha Đin ở độ cao 1.648m so với mực nước biển, cao hơn cả đỉnh Bạch Mã – Huế hơn 200m. Bên này là Sơn La và trước mặt là Điện Biên. Tôi hỏi cụ Hiền vì sao đèo có tên là Pha Đin? Cụ Hiền giải thích: tiếng Thái là Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất", hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Du khách thường xếp đèo Pha Đin vào một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc.

Quốc lộ 6 qua đèo Pha Đin là tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đoạn thơ trên của nhà thơ Tố Hữu đã nói lên tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của quân dân ta, suốt 48 ngày đêm ròng rã tướng Pháp Christian de Castries đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn do Thực dân Pháp đổ xuống.

Từ Sơn La đến Điện Biên không khí 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã rạo rực trên những tuyến đường. Những đoàn xe tham quan du lịch, các cựu chiến binh khắp các tỉnh thành trong cả nước đang chảy về Điện Biên.

Thời điểm này, Điện Biên nắng nóng như rang chảo, nhưng cũng không ngăn được dòng người đổ về. Không kịp nghỉ ngơi, đoàn Chiến sĩ Điện Biên Phủ TP. Huế nôn nóng đến thăm lại chiến trường xưa. Cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm đang kỳ trổ đồng, hương lúa dịu ngọt man mác đến khó tả.

Cụ Diệm dắt tay con gái đến bên tấm bia di tích ở cánh đồng Hồng Cúm, nơi đây 60 năm về trước hơn 100 chiến sĩ của Đại đội do cụ chỉ huy chiến đấu đã nằm lại trên cánh đồng này.

Buổi ấy, lại vào mùa mưa. Các đường giao thông hào sủng nước. Chiến đấu trên các ngọn đồi còn sướng, không phải vất vả của cánh quân ở vùng trũng. Chỉ có máu, bùn đất. Đất trộn máu, máu trộn đất. Tay đang dính đầy máu do chuyển các tử sĩ, thương binh thì anh nuôi mang cơm vắt đến. Quẹt tay vào áo (theo thói quen thôi, chứ áo cũng dính bao lớp máu và đất thối thôi) rồi cứ thế mà nắm cơm ăn. Ăn để có sức mà chiến đấu. Cái đói càng đến ngày cận chiến càng đỡ hơn bởi lương khô của địch thả dù đa phần rơi vào trận địa ta. Thức trắng cả tháng trời. Có khi thiếp đi lúc nào không hay. Đạn nổ bên tai mới sực tỉnh. Cả tháng trời không tắm rửa người hôi như cú.

Hồng Cúm là điểm chốt chặn quân Pháp chạy trốn sang phía thượng Lào. Quân Pháp đến đây đã bị tiêu diệt mà phần lớn bị ta bắt sống, số lượng lên đến hàng ngàn quân.

Cụ Hiền kể lại rằng, trong khi dẫn giải một tù binh Pháp, y đã lấm lét giúi vào tay cụ mấy đồng quan Pháp và xin tha cho chạy thoát sang Lào. Cụ Hiền mắng thẳng vào mặt tên tù binh nọ bằng tiếng Pháp: “Tao là lính bộ đội Cụ Hồ, không như lính thực dân bọn bây đâu”. Tên tù binh hoảng quá cứ lạy xin tha tội.

Phân khu Hồng Cúm là cụm phòng thủ kiên cố của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, gồm 3 khu phòng thủ A,B,C, có sân bay, xe tăng, đại bác với 2000 quân. Bộ đội ta được bố trí Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) cùng pháo mặt đất và pháo phòng không yểm trợ. Nhiệm vụ là vây hãm chia cắt địch, không cho địch chạy thoát sang Lào và quân tiếp viện từ Lào sang. Hệ thống đường hào ngày một đan dày chi chít thành đường ngang nẻo dọc, ba bề bốn bên vây chặt quân Pháp vào giữa. Hệ thống đường hào lúc đầu còn xa đồn 400-500m, rồi tiến vào gần có 40-50m, rồi chạy dọc theo hàng rào, rồi luồn qua hàng rào, chọc thẳng vào đồn.

Tác giả cùng các chiến sĩ Điện Biên dưới chân tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hệ thống đường hào ấy tiến lên ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của bộ đội ta và ngày một thu hẹp phạm vi hoạt động của quân Pháp. Cách đào hầm, giao thông hào của bộ đội ta khá độc đáo. Thoạt đầu mỗi người đào nhanh một cái hố cá nhân để tránh đạn, rồi từ hố cá nhân ấy mà đào dài ra thành chiến hào. Dùng nứa và rơm bó thành từng bó tròn lấy đất bùn trát vào, đặt trước mặt làm cái “bình phong” che đạn địch. Đẵn những súc gỗ tròn lớn, đặt trên miệng giao thông hào, giao thông hào tiến đến đâu lăn súc gỗ đến đó, biến súc gỗ thành cái nắp hầm “cơ động” để tránh đạn và lựu đạn địch.

Ngoài ra, mỗi khi địch bắn thì tổ hỏa lực phải bắn trấn áp, hoặc cho bộ phận nhỏ bắn nghi binh thu hút hỏa lực địch về hướng khác để bộ phận đào công sự có thể tiến hành công việc an toàn hơn.

4 giờ sáng ngày 16/4, hai đại đội lê dương lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, chia thành hai mũi đột nhập vào chiến hào của đại đội 54. Một toán đến gần vị trí chỉ huy đại đội. Đại đội đã kịp thời ra lệnh cho các trung đội nhanh chóng tản ra hai bên, dùng súng cối 60 ly và trung liên bắn trả, hình thành hai mũi đánh vòng trở lại. Một trung đội ở phía sau nghe tiếng súng nổ lập tức nhanh chóng tiến ra tiếp viện. Một tổ làm nhiệm vụ bắn tỉa cũng tự động chạy tới phối hợp.

Quân Pháp đang chống đỡ phía trước bất thần bị một mũi đánh thọc sườn, sợ bị sa bẫy hoảng hốt rút chạy về cứ điểm, để lại trận địa hàng chục lính chết.  Đêm 19/4, một toán lính dù Pháp rơi đúng vào trận địa của đại đội 19, toàn bộ bị bắt sống.

Ngày 24/4, viên đại tá La lăng (André Lalande) mới được thăng chức quyết định mở một trận đánh giải tỏa.

Ngày 26/4, bốn trong số những trung đội Bắc Phi khá nhất được lựa chọn tiến công vào những chiến hào ở phía tây bắc Khu C. Lalăng được báo cáo tại đây chỉ có một đường hào. Nhưng khi lính của đại đội 9 Angiêri đột nhập thì thấy lọt giữa hai tuyến chiến hào, họ phải yêu cầu quân cứu viện mới chạy thoát. Lalăng quyết định phải kỷ luật bắn bỏ một số kẻ hèn nhát để làm gương. Viên trung úy Benhabích (Benthabich) chỉ huy đơn vị này được gọi tới. Lalăng ra lệnh chọn hai người trong số những kẻ bỏ chạy để xử bắn. Benhabích trở về đại đội rồi quay lại nói: "Tôi không thể chỉ định ai. Nếu cần bắn thì bắn tất cả. Khi những người lính lê dương của ông cũng không chọc thủng được vòng vây và chạy trốn như thỏ, thì không thể bắn bất cứ ai”.

 24 giờ, ngày 7/5/1954, bộ đội ta đã bắt được toàn bộ quân Pháp ở Hồng Cúm, trong đó có cả Lalăng, chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm.

Vượt hơn 1.000km đến đây chưa kịp nghỉ ngơi, thế mà cả ba cụ trong đoàn vẫn hăng hái leo lên đồi A1. Trên đoạn đường ngắn ngủi này, các cụ vất vã nhất là trả lời phỏng vấn các phóng viên. Các du khách thì vây quanh hỏi thăm, xin được cùng chụp ảnh chung…

Hình ảnh các cụ, những Chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, bằng xương, bằng thịt đứng giữa chiến trường cũ như thế này thật là một dịp hiếm thấy sau 60 năm chiến trận đi qua. Nhiều du khách xin được chụp ảnh chung. Trong tâm khảm của họ, được chứng kiến những gì mắt thấy tai nghe và cả “tay sờ” nữa, những du khách may mắn ấy thấy mình rất vinh hạnh đứng bên những vị anh hùng Điện Biên Phủ. Còn các cụ cũng rất đỗi cảm kích. Cụ Diệm vẫn tính thẳng thắn, bộc trực: “Đánh giặc cũng sướng, mà giờ được người dân mà nhất là lớp cháu, chắt nó vinh danh như thế này thì có chết tại đây cũng sướng”.

Trên đường trở về, đoàn ghé Vũng Chùa - Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong dòng người trước mộ vị tướng tổng tư lệnh, ba chiến sỹ Điện Biên Phủ đã nghiêm trang báo cáo với tổng chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ của chuyến hành quân sau 60 năm trở về với Điện Biên Phủ. Cả ba cụ bỗng òa lên khóc: “Kính thưa Đại tướng, kính thưa người Anh cả, quân dân cả nước đang đợi đón Anh về trong ngày kỷ niệm 60 năm”.

                                                                               Tâm Hành