Hội thảo khoa học quốc tế:

Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng

22/04/2020, 23:29

Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng - Ngày 8/11, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế: “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu nhân dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức.

Các đại biểu trong phiên khai mạc Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn.

Hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trong các lĩnh vực hoạch định, truyền thông và giảng dạy chính sách. Hội thảo nhằm tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp để gắn kết người dân trong quá trình chính sách, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.

Hội thảo gồm 2 phiên với 10 tham luận của các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc. Trong phiên 1 tập trung vào kinh nghiệm của Việt Nam và Hàn Quốc trong truyền thông chính sách lấy công chúng làm trung tâm. Phiên 2 của hội thảo tập trung vào các giải pháp và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của công chúng trong quá trình chính sách.

Các diễn giả trong phiên 1 Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa – Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân khẳng định, truyền thông chính sách là cần thiết, cấp thiết đối với xã hội, trọng tâm chính yếu trong xây dựng thực thi chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia truyền thông trên mạng xã hội cần đưa mạng xã hội trở thành phương tiện truyền thông chính sách hữu hiệu, không để kẻ xấu lợi dụng…

Các diễn giả trong phiên 2 hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

“Để truyền thông một cách hữu ích cần tạo ra sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nói, người nghe, truyền tải sự chân thành của chúng ta đến với người nghe. Mục đích cuối cùng của chúng ta trong việc xây dựng chính sách chính là người dân. Do đó, để người dân hiểu được lợi ích của chính sách rất quan trọng” - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon nói.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo Đại sứ, Hàn Quốc là mô hình rất phù hợp để Việt Nam tham khảo trong quá trình truyền thông chính sách đồng thời nhấn mạnh đây là hoạt động hợp tác có ý nghĩa thiết thực và tạo ra lợi ích cho cả hai nước.

PGS.TS Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Nam Nguyễn

Tại hội thảo, PGS.TS Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, vai trò trung tâm của công chúng trong quá trình chính sách thể hiện không chỉ ở việc công chúng là đối tượng của chính sách mà còn là người tham gia vào quá trình chính sách, phản hồi về các lựa chọn chính sách và đánh giá tác động của chính sách. Để làm được điều này cần có các mô hình và giải pháp tiếp nhận, phân tích phản hồi của công chúng như mô hình chính phủ điện tử hay các mô hình truyền thông ứng dụng công nghệ khác.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân. Ảnh: Nam Nguyễn

PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân cho rằng, gắn kết công chúng trong quá trình chính sách là giải pháp quan trọng không chỉ để tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách mà còn nâng cao năng lực tiếp nhận, đánh giá và phản hồi chính sách của công chúng. Đây là yêu cầu đối với việc bảo đảm quyền thông tin của người dân và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách.

GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, tầm quan trọng của truyền thông chính sách là vấn đề đã được khẳng định rõ ràng, mạnh mẽ, không thể bác bỏ. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông chính sách gắn liền với yêu cầu, điều kiện, môi trường xã hội trong mỗi giai đoạn cụ thể. Nếu không hiểu rõ và đúng tình hình, không phân tích, đánh giá những thời cơ, thách thức thực tế, không thể đưa ra được những nội dung, phương pháp, kỹ năng, giải pháp hợp lý để thực hiện truyền thông chính sách có hiệu quả.

TS. Uhm Seung Yong, Viện trưởng Viện xúc tiến văn hóa Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho rằng, truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, đồng thuận xã hội không chỉ là mục tiêu mà còn là nguồn lực xã hội quan trọng, nhằm góp phần triển khai thành công chính sách trong thực tiễn. Với khả năng tạo dựng diễn đàn để đối thoại và phản biện chính sách, báo chí truyền thông tạo cầu nối giữa chủ thể và đối tượng chính sách. Một khi báo chí truyền thông tham gia sâu rộng vào các khâu của quy trình hoạch định chính sách, hiệu quả của báo chí truyền thông được nâng lên.

Còn theo TS Se-Hoom Jeong, Phó Trưởng khoa Truyền thông, Đại học Korea, sự thành công của các chiến dịch truyền thông công cộng là kết quả của yếu tố nguồn thông tin, thông điệp, kênh truyền tải, người nhận và năng lực tiếp nhận truyền thông của công chúng có thể là một khía cạnh quan trọng trong yếu tố người nhận. Năng lực tiếp nhận truyền thông của công chúng là một dạng năng lực liên quan đến kiến thức và kỹ năng của một cá nhân trong viện sử dựng truyền thông. Tuy nhiên, trong thời đại số, người dùng truyền thông cần học cách tiêu thụ cũng như sản xuất các thông điệp truyền thông. Năng lực truyền thông mới đặc biệt quan trọng trong thời đại số vì nó có thể giúp người nhận phản biện và sản xuất truyền thông dựa trên những hiểu biết về nội dung, ngữ pháp, phương tiện truyền thông và đặc điểm cấu trúc truyền thông

Trao đổi tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu tập trung vào điều kiện tiếp nhận chính sách của công chúng hiện nay. Trong đó, minh bạch hóa thông tin là điều kiện cơ bản để người dân thực hiện “quyền được biết” của mình. Chỉ khi người dân tiếp cận được những thông tin đầy đủ và chính xác, họ mới có thể thực hiện “quyền được bàn”.

Hội thảo cũng làm rõ tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực tiệp nhận thông tin của công chúng trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và truyền thông xã hội như hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm công bằng thông tin giữa các khu vực có trình độ phát triển khác nhau trở thành một yêu cầu cấp thiết. Một số đại biểu cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường điều kiện và năng lực tiếp nhận thông tin của người dân ở khu vực nông thôn và miền núi.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Các diễn giả Hàn Quốc và diễn giả Việt Nam tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Nam Nguyễn

Xem thêm:

>>> Trao đổi nghiệp vụ truyền thông chính sách tại Đại học Hàn Quốc

>>> Nâng cao năng lực triển khai chính sách tại Koica (Hàn Quốc)

>>> Báo chí Hàn Quốc chuyển đổi trong kỷ nguyên số

>>> Thời sự là "bữa cơm" ăn hàng ngày của công chúng

>>> Minh bạch thông tin - "thần dược" trong truyền thông chính sách

>>> Bức tranh đa chiều về truyền thông Hàn Quốc (Kỳ I)

>>> Bức tranh đa chiều về truyền thông Hàn Quốc (Kỳ II)