Trao giải Cuộc thi viết về Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2022

04/10/2022, 09:49

Trao giải Cuộc thi viết về Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2022 - Chiều 3/10/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về Kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.

Ban tổ chức trao giải cho bốn tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A Cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam năm 2022.

Cuộc thi viết với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” phát động ngày 28/4/2021, nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Cuộc thi nhằm khẳng định vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong đời sống kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, xã hội về vị trí, vai trò của kỹ năng lao động; tạo sân chơi nghiệp vụ cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, các cá nhân, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông tuyên truyền sâu rộng về ngày kỹ năng lao động Việt Nam.

Qua 11 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 300 tác phẩm tham gia dự thi ở 4 thể loại gồm: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Qua 2 vòng chấm thi, Ban tổ chức đã chọn được 30 cá nhân, nhóm tác giả để trao 4 giải A, 4 giải B, 8 giải C và 14 giải Khuyến khích.

Các tác phẩm đoại giải A: Tác phẩm “Làn sóng mới trong đào tạo nhân lực” của tác giả Ðặng Bích Ngọc, phóng viên Báo Cần Thơ (thể loại báo in). Tác phẩm “Nhất nghệ tinh” trước ngưỡng cửa 4.0 của tác giả Vũ Xuân Cường, phóng viên Báo Tin tức TTXVN (thể loại báo điện tử). Tác phẩm “Lựa chọn bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp” của tác giả Trần Bá Duy, Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Ðài Tiếng nói Việt Nam (thể loại phát thanh). Tác phẩm “Hiệu quả từ chương trình đào tạo kép” của nhóm tác giả Phan Thị Lệ Hằng - Cao Văn Hoàng - Lê Thị Lan, Truyền hình Quốc hội Việt Nam (thể loại truyền hình).

Tại lễ trao giải, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu: Thành công của cuộc thi đã giúp lan tỏa giá trị của kỹ năng lao động, giúp xã hội hiểu hơn về kỹ năng nghề nghiệp, yếu tố quyết định đến năng suất lao động, tăng sự cạnh tranh của nguồn lực trong quá trình hội nhập quốc tế, tham gia các chuẩn cung ứng nhân lực tạo ra giá trị cao.

PV