Trăn trở về đề tài người nông dân và người nghèo

22/04/2020, 23:29

Một trong những khó khăn cho công tác giảm nghèo bền vững hiện nay là nhiều người nghèo không muốn thoát nghèo. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là người nghèo đang được hưởng quá nhiều chính sách ưu đãi, từ đó nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Cùng với khó khăn do dịch Covid, người  dân Tây Nam Bộ còn gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước

Trăn trở về đề tài

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác vẫn còn rất nhiều những tấm gương người nghèo tự nỗ lực vươn lên. Và tôi muốn đó sẽ là thông điệp cổ vũ mạnh mẽ người nghèo ở khắp nơi trên hành trình vượt qua đói nghèo, để họ xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đó cũng là lý do tôi viết phóng sự “Khi người nghèo biết vươn lên”.

Thật ra, lúc đầu tôi dự định lấy tên “Thông điệp từ những lá đơn thoát nghèo” hoặc “Giảm nghèo - Cần sự vươn lên của mỗi gia đình” để đặt cho tiêu đề phóng sự. Nhưng cuối cùng tôi lại chọn tên “Khi người nghèo biết vươn lên” bởi tôi cảm thấy nó dân dã hơn, gần gũi hơn và hơn hết, nó có một cái gì đó có thể liên tưởng với thực tế hiện nay là vẫn còn một bộ phận người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Tôi còn nhớ, vào khoảng tháng 10/2018, khi mà cuộc bình xét, điều tra, rà soát về hộ nghèo, cận nghèo đang diễn ra ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong một lần đi viết bài ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tôi được nghe các anh ở xã chia sẻ câu chuyện xoay quanh những lá đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Điều này khiến tôi rất tò mò. Vì với một xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao như xã Khánh Thuận, điều gì khiến họ lại có hành động “đẹp” đáng để biểu dương như vậy. Và càng ngạc nhiên hơn, không riêng gì xã Khánh Thuận, việc người dân tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo còn diễn ra ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh và nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Phóng viên Truyền hình Tiền Giang phỏng vấn một nông dân sản xuất giỏi tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang

Sau khi tìm hiểu, cuối cùng tôi chọn 2 xã Khánh Lâm và Khánh Thuận, huyện U Minh để đi chụp ảnh cho phóng sự “Khi người nghèo biết vươn lên”. Bởi, U Minh là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì tỉnh Cà Mau với hơn 3.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,94%. Và xã Khánh Thuận, Khánh Lâm cũng là 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện U Minh.

Trong quá trình thực hiện phóng sự, tôi ấn tượng nhất với trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt ở ấp 11, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Dù đã ở cái tuổi ngoài 50, và dù cho phải chăm sóc cho chồng bị bệnh nằm một chỗ nhưng bà Nguyệt vẫn miệt mài lao động, sản xuất, không trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương với quyết tâm thoát nghèo và không để tái nghèo. Nghị lực của người phụ nữ ấy là điều khiến tôi trân quý hơn cả. Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của bà Nguyệt: “Mình nghèo, có người còn nghèo hơn. Thôi, mình còn làm được thì cứ để dành sự trợ giúp đó cho người khổ hơn mình”.

Trăn trở về đề tài người nông dân và người nghèo

Giữ mãi đam mê

Tôi biết ơn nghề báo đã cho tôi cơ hội được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người, được nhìn thấy nhiều hoàn cảnh và cũng giúp tôi hiểu rằng, công việc của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với những chuyến đi, những trải nghiệm mà ở đó có rất nhiều những kỷ niệm buồn vui mãi mãi không thể nào quên... Có khi là nải chuối, trái mít, mớ rau hay vài con cá cũng làm tôi ấm áp, cay cay nơi khóe mắt, nghẹn ngào không thể nói thành lời. Chúng tôi ra về trong cái bắt tay rất chặt như gửi gắm vào đó cả niềm tin, hy vọng về tương lai tốt đẹp phía trước của những người dân nghèo.

Là phóng viên hay viết mảng đề tài về người nông dân, người nghèo, chứng kiến công tác giảm nghèo ở Cà Mau từng bước đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, tôi chia sẻ những cách làm hay trong công tác giảm nghèo mà tỉnh Cà Mau đang áp dụng thành công với mong muốn tạo được sự cổ vũ, lan tỏa tinh thần tự lực, khuyến khích người nghèo tích cực lao động để thoát nghèo./.

Lê Diễm