
Thành công từ những hành động cụ thể
-
Năm 2018, hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đạt được nhiều thành tích đáng
khích lệ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà truyền thống Báo Nhân Dân, ngày 5/3/2018. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, Tạp chí Người Làm Báo đã phỏng vấn đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về những hoạt động của Hội năm 2018 và kế hoạch hành động năm 2019.
PV: Năm 2018 là một năm “bận rộn” của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội, ông đánh giá như thế nào về những thành tích đạt được trong năm qua?
Chủ tịch Thuận Hữu: Có thể nói, năm 2018 là một năm rất sôi động với các sự kiện quan trọng của giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là năm thứ ba chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam. Báo chí luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận chính trị - tư tưởng, phản ánh một cách sống động nhịp đập của đời sống đất nước trên mọi lĩnh vực, là tấm gương soi xã hội, qua báo chí có thể nhìn thấy, một năm đất nước đã gồng mình vượt qua những khó khăn, thách thức.
Hoạt động công tác Hội liên tục được tiếp nối bằng những sự kiện ấn tượng, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Hội Báo toàn quốc năm 2018 do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội thành công ngoài mong đợi, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống báo chí, cũng như đời sống xã hội.
Với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, Hội Báo toàn quốc 2018 thực sự là cuộc hội tụ văn hóa, tinh thần nghề nghiệp đặc sắc của những người làm báo cả nước. Sự kiện là dịp biểu dương lực lượng hùng hậu của báo chí cách mạng Việt Nam; thể hiện niềm tin yêu và kỳ vọng của nhân dân vào đội ngũ những người làm báo; tinh thần vượt khó khăn, thử thách trong thời đại truyền thông kỹ thuật số để xây dựng một nền báo chí dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại; góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Năm qua, bên cạnh tổ chức quán triệt hội viên - nhà báo thực hiện tốt Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam giúp hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội, có nhận thức đúng đắn, góp phần định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam. Đồng thời, giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp có cơ sở tham chiếu, xử lý những sai phạm trong thực tiễn.
Trước đó, ngày 6/4, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định 979/HNBVN về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương. Việc ban hành Quyết định và hướng dẫn sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của các cơ quan quản lý báo chí, các cấp Hội và lãnh đạo chính quyền các địa phương, không chỉ góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí mà còn là một giải pháp hữu hiệu giúp các cấp Hội Nhà báo phối hợp chặt chẽ, can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo khi bị hành hung đe dọa, cản trở việc tác nghiệp.
Cùng với đó, chất lượng sinh hoạt nghiệp vụ được chú trọng và tăng cường; Giải Báo chí Quốc gia tiếp tục tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, năm qua là năm đầu tiên 63 Hội Nhà báo đều có tác phẩm tham dự giải; Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao thực hiện ngày càng có hiệu quả; Hội đã phối hợp với các Bộ,Ban, ngành tổ chức thành công các Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành; tổ chức được nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về nghiệp vụ báo chí và các hoạt động xã hội khác.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại Họp báo công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Nam Nguyễn
PV: Ngày 25/12 vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Hội trong việc giúp người làm báo hạn chế những “tai nạn” đáng tiếc khi tham gia mạng xã hội. Thời gian tới, Hội sẽ triển khai những hoạt động gì để đưa bộ quy tắc đến từng hội viên - nhà báo?
Chủ tịch Thuận Hữu: Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội trở thành diễn đàn tự do của hàng triệu người sử dụng, thông tin được cập nhật đa chiều, giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về một vấn đề. Tuy nhiên, tính lan toả và kết nối của mạng xã hội đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí.
Nhiều nhà báo - hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian mà bỏ qua khâu quan trọng, kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Mặt khác, sau hai năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế; những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội.
Khi tham gia mạng xã hội, ý kiến của nhà báo thường có tác động đến xã hội hơn ý kiến của những người dân bình thường. Một ý kiến, hành vi của nhà báo trên mạng xã hội mà sai, không chuẩn mực,sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng, dư luận xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì xây dựng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người dân, việc ban hành quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo cũng góp phần vào công việc chung đó.
Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức đợt học tập, quán triệt thực hiện tới các cấp Hội và cơ quan báo chí về nội dung của bản quy tắc này. Trên cơ sở Bộ quy tắc, căn cứ đặc thù, các cơ quan báo chí có thể xây dựng quy tắc riêng để điều chỉnh hành vi người làm báo thuộc cơ quan mình khi sử dụng mạng xã hội.
Người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm. Bên cạnh đó, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ cơ sở đến Trung ương sẽ có trách nhiệm phát hiện, cổ vũ, động viên những tập thể và cá nhân thực hiện tốt; phê phán các tập thể, cá nhân vi phạm.
Video: Ban Tuyên giáo Trung ương
PV: Không thể phủ nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các cấp Hội trong năm 2018 vẫn còn không ít những tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ, khắc phục, thưa ông?
Chủ tịch Thuận Hữu: Trước những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho báo chí, những kết quả đạt được trong năm 2018 đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của giới báo chí cả nước, của các tổ chức Hội Nhà báo từ Trung ương tới địa phương và của Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, có tác dụng khiến đời sống báo chí của đất nước ngày càng có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước; tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để giới báo chí cả nước lao động sáng tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn không ít điều khiến chúng ta trăn trở, lo lắng. Ở một số các cấp Hội hoạt động vẫn chưa thật sự hiệu quả; một số Hội địa phương chưa nhận được sự quan tâm sâu sát, giúp đỡ, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương... Đặc biệt, trong hoạt động báo chí vẫn còn xảy ra những sai phạm buộc phải xử lý, trong đó có sai phạm thuộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Một số hội viên, nhà báo tham gia vào mạng xã hội thiếu ý thức trách nhiệm,thiếu sự chuẩn mực, chưa góp phần xây dựng đời sống tinh thần, văn hóa lành mạnh, thậm chí còn gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham quan gian trưng bày Hội báo toàn quốc 2018. Ảnh: Phạm Văn Đức
PV: Tiếp nối thành công năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ bắt đầu một năm mới 2019 với những hoạt động cụ thể nào, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Thuận Hữu: Trước hết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức học tập, quán triệt thực hiện Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam trong toàn bộ cấp Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí, nhanh chóng đưa bộ quy tắc này đi vào thực tiễn đời sống báo chí; Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng hội viên về thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2019; Tổ chức tốt Hội nghị tổng kết công tác Hội 2018, công tác Thi đua khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam năm 2019; Triển khai chương trình kế hoạch về công tác chuẩn bị hướng tới Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam; Tăng cường công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương...
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, thông qua việc nâng cao chất lượng của các Giải Báo chí (từ Giải Báo chí Quốc gia cho đến các Giải báo chí chuyên ngành); Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm quan trọng về nghiệp vụ báo chí, các hoạt động nghiệp vụ từ cấp Trung ương xuống đến các cấp Hội cơ sở;Tiếp tục triển khai xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Tổ chức Giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam năm 2019;...
Năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác Hội tại Nghệ An. Ảnh: Sơn Hải
PV: Nhân dịp năm mới 2019, Chủ tịch có điều gì gửi tới hội viên, nhà báo cả nước?
Chủ tịch Thuận Hữu: Hội Nhà báo Việt Nam là “ngôi nhà chung” của hơn 23.000 hội viên. “Ngôi nhà chung” vững mạnh là do sự đóng góp, xây đắp của từng hội viên. Hội viên - nhà báo cần ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình với xã hội và hành nghề một cách chuẩn mực, bằng cách tạo ra nhiều tác phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, đó chính là sự đóng góp thiết thực nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng với đó là ý thức tham gia sinh hoạt Hội, ý thức xây dựng Hội để làm sao cho mỗi hội viên góp phần tạo niềm tin trong xã hội, phục vụ lợi ích đất nước và nhân dân.
Năm 2019 là năm thứ ba chúng ta tiếp tục thực hiện Luật Báo chí năm 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và năm đầu tiên triển khai thực hiện Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Luật Báo chí có tính pháp lý, hai bộ quy tắc có tính dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm, đây là “cẩm nang” cho các nhà báo hành nghề. Vì vậy những người làm báo cần phải tuân thủ và thực hiện một cách nghiêm túc những điều này.
Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chúc toàn thể hội viên - nhà báo cả nước An Khang - Thịnh Vượng. Chúc Tạp chí Người Làm Báo ngày càng phát triển, xứng đáng là Cơ quan lý luận nghiệp vụ của giới báo chí Việt Nam!
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
PV (thực hiện)

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
