Tâm linh

22/04/2020, 23:29

Tâm linh - Nhà báo Trần Bá Lạn, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, là người có công góp phần đào tạo hàng nghìn nhà báo, nhiều người trong số đó thành danh.

Nhà báo Trần Bá Lạn (trái) và tôi

Ông tốt nghiệp Đại học Báo chí ở Bắc Kinh, Trung Quốc cùng thời với các nhà báo Phạm Khắc Lãm, Phạm Phú Bằng, Như Quỳnh, Vũ Hoàng Địch, Trần Hữu Năng, Như Hoan...

Trong một lần gặp, ông kể lại với tôi (Hải Vân) nhiều mẩu chuyện tâm linh về đời và nghề. Một lần, thời còn chiến tranh, ông và con gái đi dạo trong khu chợ Nhổn (huyện Hoài Đức, Hà Tây - nay là Hà Nội), một người lạ, chưa hề quen biết bỗng nhiên nắm lấy tay ông mà rằng: “Anh bị nạn, nhưng nhờ đức cao nên không hề hấn gì”. Suy nghĩ một lát, ông trả lời: “Đúng rồi, tôi suýt chết trong một trận bom lúc đi sơ tán”. Người đàn ông lạ không chịu, càng nắm chặt tay ông: “Không phải chuyện bom đạn, anh bị người ta bôi xấu, hạ thấp uy tín”.

Ông sực nhớ, thời kỳ đó, tại trường, có một số người, chỉ vì vài lý do cá nhân đã “đánh lén”, tìm cách hạ bệ ông, thậm chí viết truyện ngắn ám chỉ - bêu xấu ông trên báo. Một em học viên của Khoa Báo chí đã đến gặp riêng, mách bảo với ông điều này. Nhưng cây ngay không sợ chết đứng, cuối cùng ông vẫn vững vàng đi tới cùng đồng nghiệp xây dựng Khoa Báo chí lớn mạnh từng ngày. Từ trước đến nay, con người giỏi Hán học này chẳng mấy tin vào tướng số, nhưng câu chuyện vừa kể, là nhà báo, giảng dạy báo chí, không thể không tìm hiểu, suy nghĩ. Về sau, do không hỏi tên và địa chỉ người đàn ông lạ bắt gặp ngoài chợ Nhổn, nhà báo Trần Bá Lạn không có cách nào tìm lại được ông để hàn huyên cho ra mọi nhẽ.

Lại một chuyện khác. Một dạo, ông và con gái Trần Thanh Tú vẫn thường về quê nội ở làng Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín cúng tổ tiên dòng tộc họ Trần. Khi đứng trước bàn thờ Tổ, con gái ông cứ như mất thăng bằng sực muốn ngã, bước ra khỏi bàn thờ thì mọi việc trở lại bình thường. Thanh Tú khẩn cầu cụ Tổ, bỗng như có tiếng nói cất lên: “Cụ là Trần Trọng Liêu. Nơi thờ Cụ ở đằng kia, mà ít thấy khói hương”.

Thanh Tú quay sang hỏi cha (Trần Bá Lạn): “Cụ Tổ nhà ta có ai tên như vậy”. Ông trả lời: “Có đấy con, cụ Trần Trọng Liêu, được ghi danh trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Sau đó, việc thờ tự Cụ thực hiện đúng như Cụ đã “mách bảo”. Rồi chính Cụ dường như cũng đã nhập về chỉ cho Thanh Tú và các hậu duệ biết đích xác nơi chôn cất Cụ - đúng theo bản ghi Gia phả họ Trần thôn Văn Hội mà nhà báo Trần Bá Lạn đã dịch thuật từ các bản văn tự Hán cổ.

Trần Bá Lạn là nhà báo, nhà giáo - nhiều năm giảng dạy và làm Trưởng khoa Báo chí, tiêu biểu, mẫu mực, một người con của Hà Nội. Những câu chuyện ông kể là có thật, không hoang đường, được chính ông cho xuất bản trong một tập sách vừa mới phát hành tháng 10 năm 2017; nhà báo, nhà giáo Vũ Đình Hương, có một số năm phụ trách Khoa Báo chí viết lời giới thiệu.

“Đời và nghề” ghi lại vài mẩu chuyện tâm linh có vẻ rất huyền bí vừa kể trên. Cho đến nay chính nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn vẫn chưa tự lý giải được. Xin được ghi lại để đồng nghiệp và bạn đọc ghi nhận và tham khảo vậy./.

Hải Vân