Quy luật 80 20:

Chống phát ngôn cực đoan trên mạng xã hội  

22/04/2020, 23:29

Chống phát ngôn cực đoan trên mạng xã hội   - Bộ Quốc phòng Úc áp dụng quy luật 80/20 để tăng cường số lượng những phát ngôn tích cực và thu hút sự ủng hộ của đông đảo công chúng, qua đó ngăn chặn tác hại của những thông điệp phản động do chủ nghĩa khủng bố phát tán trong môi trường truyền thông Internet.

Bài viết này tìm hiểu cách áp dụng quy luật 80/20 trong kỹ thuật truyền thông hướng tới sự tích cực, đã được Bộ quốc phòng Úc phổ biến tới lực lượng dư luận viên trong bộ máy tuyên truyền của Úc

Quy luật phân bố nguyên nhân - kết quả 80/20 do nhà kinh tế học người Ý Pareto tìm ra khi thống kê 80% của cải thuộc quyền sở hữu của 20% dân số. Trong quản trị, 80% kết quả do 20% số hành động tạo ra. Trong kinh doanh, 80% doanh thu đến từ 20% số khách hàng. Quy luật này còn thể hiện trong cuộc sống thường nhật. Ví dụ, một người chỉ mặc 20% số quần áo họ có trong khoảng 80% quỹ thời gian sống. 20% số người tham gia giao thông gây ra 80% tổng số tai nạn giao thông.

Quy luật này được Phòng Tác chiến Thông tin, Bộ quốc phòng Úc áp dụng trong việc tuyên truyền chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan trên Internet. Bắt đầu từ năm 2015, nhận thấy nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ra sức tận dụng mạng xã hội để kích động, dụ dỗ thanh thiếu niên toàn cầu tham gia hoạt động khủng bố, Bộ Quốc phòng Úc đã triển khai chiến dịch truyền thông đối phó với những phát ngôn phản động của khủng bố. Một mặt, các chương trình giáo dục được triển khai tại trường học tại Úc nhằm giúp thanh thiếu niên nhận diện và tẩy chay các phát ngôn gây thù hận, chia rẽ, kích động bạo lực. Mặt khác, đội ngũ dư luận viên trên mạng được tập huấn để thực hiện kỹ thuật truyền thông 80/20.

Bộ Quốc phòng Úc nhận định, chỉ 20% trong số những người dùng mạng xã hội là những đối tượng tích cực đưa ra quan điểm riêng trên Internet, bằng các hành động như: viết blog, đăng tải video, cập nhật trạng thái, đăng tải ảnh, bình luận và chia sẻ. Trong số đó, 10% bày tỏ quan điểm tiêu cực và 10% thể hiện quan điểm tích cực về cùng một vấn đề. 80% số người dùng mạng xã hội là nhóm công chúng chỉ đơn thuần thụ động tiếp nhận thông tin do 20% số người dùng mạng tích cực tạo ra. Đồ thị sau đây thể hiện tỷ lệ 10% có ý kiến tiêu cực, 80% không thể hiện quan điểm gì và 10% có ý kiến tích cực trong số những người sử dụng mạng xã hội

Đồ thị: Áp dụng quy luật 80/20 trong truyên truyền chống phát ngôn cực đoan trên Internet. Nguồn: Bộ Quốc phòng Úc, 2017

Để đối phó với 10% số phát ngôn tiêu cực, dư luận viên áp dụng các kỹ thuật theo cấp độ can thiệp từ ít đến nhiều, bao gồm: trung lập hoá các phát ngôn, làm mất thể diện của người phát ngôn cực đoan, thể hiện uy thế lấn lướt người phát ngôn cực đoan, xoá bỏ nội dung phát ngôn cực đoan, và các hoạt động cấm đoán, ngăn cản, thậm chí dùng vũ lực đối với nhóm người phát ngôn tiêu cực.

Hoạt động này tuy đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức nhưng ít hiệu quả bởi một số lý do sau. Thứ nhất, những người có tư tưởng cực đoan thì không dễ từ bỏ và thay đổi quan điểm trong một sớm một chiều. Những phát ngôn và hành động trấn áp chỉ khiến nhóm đối tượng này càng thêm thù nghịch và hình thành ác cảm trong nhóm những người quan sát. Thứ hai, việc phá huỷ nội dung phát ngôn gần như không có tác dụng do có thể dễ dàng lưu trữ để khôi phục lại những nội dung đã bị xoá. Đồng thời, sau khi ý kiến tiêu cực bị báo cáo (report) và xoá đi, dư luận viên không còn bằng chứng để nêu ra lập luận phản bác, không còn cơ hội để cung cấp cho công chúng cách hiểu khác (alternative fact).     

Chính vì thế, dư luận viên cần xác định đối tượng có ý kiến tiêu cực không phải là mục tiêu chính của các kế hoạch tuyên truyền. Ngược lại, đối tượng chủ yếu phải là những người có ý kiến tích cực, chiếm 10% số người dùng mạng xã hội, và những người chưa bộc lộ quan điểm gì, chiếm tới 80% số người dùng mạng xã hội. 

Dư luận viên làm việc tại Bộ Quốc phòng Úc. Ảnh: monash.edu.au

Đối với nhóm những người có ý kiến tích cực, nhiệm vụ của dư luận viên là ưu tiên cung cấp cho họ những thông tin tích cực để họ có cơ sở đưa ra những bài viết và bình luận dẫn dắt dư luận theo ý muốn của dư luận viên.

Nhóm còn lại - 80% số người dùng mạng xã hội tuy có thể có quan điểm nhưng không bộc lộ ý kiến gì - là một ẩn số được cả 2 phe tích cực và tiêu cực cùng muốn chiếm lĩnh. Có thể dùng những kỹ thuật để nhận diện và tận dụng nguồn lực khổng lồ do 80% này mang lại bằng những cách như sau: kêu gọi ký tên ủng hộ hoặc phản đối, kêu gọi đóng góp từ thiện, kêu gọi tham gia hoạt động. Thông qua việc kêu gọi ký tên vào các bản kiến nghị, người kêu gọi có thể thu thập những thông tin về nhân khẩu học của những người ký tên, như tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, nguyện vọng, địa chỉ email, thiết bị sử dụng để truy cập mạng, thói quen tiêu dùng trên mạng v.v..

Đây là tập hợp dữ liệu lớn giúp người làm truyền thông trong thời đại 3.0 nhận diện các nhóm sử dụng mạng, cùng với quan điểm của họ, từ đó tìm ra cách truyền thông thích hợp đến từng nhóm. Ngoài ra, tuy không thể hiện quan điểm dưới dạng các phát ngôn, họ có thể bộc lộ quan điểm ủng hộ bên này, phản đối bên kia bằng hành động quyên góp vật chất cho các bên.

Vì vậy, song song với việc truyền thông, nhà tuyên truyền cần khởi xướng các chương trình kêu gọi từ thiện hoặc tổ chức các hoạt động phong trào ngoài đời thực để tạo cơ hội cho 80% người dùng mạng xã hội được thể hiện chính kiến. 

Trên đây là tổng kết về mặt lý thuyết kỹ thuật truyền thông theo quy luật 80/20 đã được Bộ Quốc phòng Úc áp dụng trong những năm gần đây, bước đầu có hiệu quả trong việc ngăn chặn phát ngôn phản động, thúc đẩy phát ngôn tích cực trên mạng. Việc triển khai chiến dịch truyền thông theo quy luật này cần những điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia.

Nói tóm lại, quy luật 80/20 có giá trị ứng dụng phổ quát trên toàn cầu. Riêng trong truyền thông, quy luật này nhấn mạnh tác dụng mạnh mẽ của truyền thông mang tính xây dựng và kiến tạo, hướng đến điều tích cực. Từ bài học của truyền thông Úc, có thể thấy rằng bất kỳ nhà nước nào cũng cần đến bộ máy tuyên truyền, cụ thể ở đây là dư luận viên, để chống lại các quan điểm phản động và thu hút sự ủng hộ của đông đảo người dân. 

ThS Mạch Lê Thu (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Báo chí, Đại học Monash, Úc)