Những chặng đường kỷ niệm

11/10/2022, 18:30

Những chặng đường kỷ niệm - Học viện Báo chí và Tuyên truyền tròn 60 năm thành lập. Trải qua nhiều chặng đường với những tên gọi khác nhau, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho Đảng và Nhà nước luôn hoàn thành với nhiều thành tích vẻ vang. Trong thành tích chung đó, chúng tôi có mặt để được góp chút công sức nhỏ bé và được chứng kiến những bước trưởng thành trong mỗi chặng đường phát triển của Học viện. Chúng tôi gọi đó là những chặng đường kỷ niệm.

Phân viện Báo chí và Tuyên truyền từ 04/1994 - 06/2005.

Ngày chúng tôi nhập học vào lớp Đại học Báo chí khóa 9 là cuối năm 1991. Trong giấy báo nhập học có ghi nơi đến: Trường Đại học Tuyên giáo, địa chỉ Đường 32, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Quả thực, khi đó, qua cổng trường vẫn bắt gặp hình ảnh những người nông dân làng Cốm Vòng phơi rơm trên đường nhựa trước cổng trường Tuyên giáo.

Thời điểm này, nhà trường đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập và đó cũng là sự kiện lớn đầu tiên mà các sinh viên chúng tôi được tham dự vào đầu năm 1992. Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường được tổ chức giản dị tại Hội trường của  Nhà văn hóa Từ Liêm (nay là Nhà văn hóa Cầu Giấy), đường Nguyễn Phong Sắc, đối diện bên kia cổng trường. Tôi tham gia công tác Đoàn thanh niên của trường nên được nhận nhiệm vụ chỉ huy những sinh viên trẻ chỉ dẫn khách và… khuân vác toàn bộ những lẵng hoa chúc mừng của khách từ trường sang Nhà văn hóa Từ Liêm. Công việc toát mồ hôi trong những ngày đầu xuân nhưng rất vui vì được chứng kiến một chặng đường 30 năm của nhà trường.

Sau lễ kỷ niệm đó là những sự khởi sắc, là những bước chuyển đổi lớn trong chiến lược đào tạo của nhà trường mà chúng tôi được chứng kiến. Đó là những năm đầu chuyển đổi cơ chế tuyển sinh từ việc chỉ đào tạo cán bộ đi học chuyển sang tuyển học sinh phổ thông đào tạo hệ cử nhân báo chí (từ khóa 11, về sau mỗi năm đều tuyển sinh hệ Đại học và mở rộng các hệ đào tạo khác). Nhà trường cũng hoàn thiện, bổ sung đội ngũ giảng viên và cùng lúc, 5 học viên bằng 2 lớp Đại học Báo chí khóa 9 (1991-1993) chúng tôi có cơ hội được giữ lại làm giảng viên của Khoa Báo chí (ngày đó, trong quyết định ghi rõ là: "Giữ học viên ở lại trường làm giảng viên" vì lớp chúng tôi hầu hết đều là cán bộ được cử đi học, đã có thời gian công tác thực tiễn trong các cơ quan nhà nước).

Những giảng viên trẻ chúng tôi ở lại trường được phân công bắt tay ngay vào việc  biên soạn những bài giảng đầu tiên. Riêng tôi, ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm làm Bí thư Đoàn trường Đại học Tuyên giáo nên công việc khá bận rộn. Đoàn trường khi đó thường xuyên tổ chức các hoạt động mùa hè cho con em giáo viên trong trường. Những buổi sinh hoạt hè khá sôi nổi. Các anh chị phụ trách đều là những học viên trong trường. Ở Khoa Báo chí, chúng tôi vẫn còn nhớ khi đó, Phó Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn cũng mới từ Liên Xô về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa (Chủ nhiệm khoa là nhà báo Hữu Thọ, một chức danh kiêm nhiệm). Thầy Tạ Ngọc Tấn khi đó là một người trẻ giàu tâm huyết, đem theo một luồng gió của sự đổi mới. Chính thầy và đội ngũ những giảng viên của Khoa Báo chí đã bắt tay gây dựng và phát triển lý thuyết về hệ thống thể loại báo chí, xây dựng những hướng nghiên cứu báo chí mới.

Cùng với việc phân chia hệ thống thể loại báo chí là phân công nhiệm vụ của những nhóm nghiên cứu, những cá nhân giảng viên đi theo các hướng khác nhau để rồi sau hàng chục năm thì đã định hình và phát triển những bộ môn (cả cũ và mới), làm cho việc giảng dạy báo chí phong phú với một hệ thống giáo trình ngày càng hoàn thiện và chuyên sâu theo hướng chuyên ngành: Báo in, Phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử…). Vấn đề thể loại báo chí được đặt ra và thảo luận sôi nổi trong các cuộc hội thảo khoa học và những định hướng biên soạn, giáo trình được định hướng theo những cách tiếp cận mới, phù hợp với việc giảng dạy chuyên ngành báo chí khi đó.

Chúng tôi bị cuốn hút vào không khí nghiên cứu giảng dạy của Khoa Báo chí khi đó với nhiều dự định nghiên cứu và gắn thực tiễn với giảng dạy báo chí. Đây cũng là một giai đoạn rất đáng nhớ của Khoa Báo chí trong việc phát triển hệ thống sách, giáo trình và tài liệu giảng day. Bởi vì trước đó, toàn bộ việc giảng dạy báo chí đều phụ thuộc vào bộ giáo trình do thầy Trần Bá Lạn biên soạn và xuất bản từ những năm 1977 – 1978. (Xem thêm: Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời, tác giả Trần Bá Lạn, NXB Lao động 2019). Những cuốn sách mang đến những cách nhìn về hệ thống thể loại theo cách phân chia mới như cuốn Ký Báo chí của tác giả Đức Dũng xuất bản năm 1992 (cuốn này về sau đổi tên thành Các thể ký báo chí và được tái bản nhiều lần).  Sau đó là những cuốn như Cơ sở lý luận báo chí (1995) do PGS, TS Tạ Ngọc Tấn chủ biên (cuốn này cũng được tái bản nhiều lần và trở thành cuốn sách thử thách đối với sinh viên báo chí nhiều thế hệ, trong nhiều năm). Từ năm 1995 về sau cũng đánh dấu bước chuyển trong việc xuất bản hàng loạt sách chuyên khảo và giáo trình mang tính chuyên sâu của các giảng viên như các cuốn Tác phẩm báo chí  tập 3 của thầy Trần Thế Phiệt về chính luận báo chí, cuốn Lý luận Báo Phát thanh của thầy Đức Dũng dành cho chuyên ngành báo phát thanh. Về sau, những cuốn sách mang tính chuyên sâu, chuyên ngành, giáo trình… ngày càng được xuất bản nhiều hơn. Hệ thống bài giảng, giáo trình cũng ngày càng được chú trọng trong nghiên cứu khoa học và xã hội hóa. Đặc biệt khi đó, giới báo chí hay nhắc đến tác giả Đức Dũng với cuốn Viết báo như thế nào và cuốn Một trăm câu hỏi về cách viết báo. Thầy Đức Dũng cũng là giảng viên báo chí, tác giả đầu tiên đã có những cuốn sách nghiệp vụ xuất bản tiếp cận với thị trường báo chí, được tái bản nhiều lần và trở thành cuốn sách bán chạy trên thị trường, thậm chí còn bị các đầu nậu xuất bản in lậu hàng vạn bản.

PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Chặng đường kỷ niệm của giai đoạn tuổi 30 đến 40 của nhà trường đánh dấu nhiều kỷ niệm với lớp giảng viên trẻ chúng tôi những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Đây là thời kỳ lao động sung sức và cống hiến với một niềm say mê, khát khao nhất trong quãng đời của tuổi trẻ trong mỗi con người. Thời kỳ này, mỗi cá nhân đều tự xác định việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ giảng dạy. Nghề báo chí vốn cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn nên các giảng viên khi đó thường luôn gắn bó với một vài cơ quan báo chí nhất định để cộng tác. Tùy theo hướng nghiên cứu, giảng dạy để lựa chọn và tiếp cận cơ quan báo chí phù hợp, ví dụ như nghiên cứu và giảng dạy về truyền hình thì thực tế tại Đài truyền hình Việt nam, Báo Nhân Dân hoặc các cơ quan báo chí khác… Việc cộng tác đã giúp cho giảng viên có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao trình độ chuyên môn và bổ sung các kiến thức nghề nghiệp từ thực tế. Quan niệm rằng một người dạy lái xe ô tô thì trước hết phải biết lái xe ô tô. Làm giảng viên báo chí thì nhất định phải biết viết báo, làm chương trình phát thanh, truyền hình. Nhất định phải có tác phẩm được xã hội và đồng nghiệp ghi nhận. Nếu muốn phát triển bản thân thì phải tìm con đường tự học.

Dành mười năm cho việc hoàn thiện các nghiên cứu thực tiễn và gắn với giảng dạy, biên soạn giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo, học tập nâng cao trình độ của mỗi người là một chặng đường gian khó, khi mà phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, khi mà điều kiện học tập, môi trường xã hội có nhiều biến động chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Chẳng có người thầy giáo nào từ trên trời rơi xuống mà thành thầy giáo, tất cả đều phải từ học trò, học mọi điều từ bạn bè, đồng nghiệp và từ chính những người học. Giảng dạy báo chí lại càng đòi hỏi khắt khe hơn. Muốn làm thầy giáo giỏi trong nghề báo thì phải giỏi nghề báo. Khi đứng trước những học viên các lớp tại chức có người đáng tuổi cha chú, giữ trọng trách lãnh đạo các cơ quan báo chí uy tín, lại có nhiều năm tuổi nghề mà giảng viên có được sự tự tin và có đủ năng lực trình độ để giảng dạy và thảo luận chuyện nghề nghiệp với họ là cả một thách thức lớn đối với giảng viên trẻ. Quan niệm đó đã định hướng cho các giảng viên trẻ tích cực đi thực tế tại các cơ quan báo chí. Nhà trường đã tạo những điều kiện thuận lợi để giảng viên trẻ khi đó có đủ các điều kiện tiếp cận thực tiễn và tự hoàn thiện nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ báo chí. Những bài giảng luôn gắn với thực tiễn tạo nên sự trưởng thành trong nghề của cá nhân mỗi giảng viên ngày càng tăng lên dần đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy, nghiên cứu. Nhiều giáo trình, sách tham khảo được xuất bản trong vòng 10-15 năm. Trong số 5 học viên báo chí khóa 9 được giữ lại trường làm giảng viên thì tất cả đều hoàn thành chương trình thạc sỹ, tiến sỹ, trong đó đã có 3 Phó giáo sư. Nói điều này để muốn khẳng định rằng khi xác định là giảng viên thì đường đi nước bước của việc học hành dù có gian nan đến đâu chúng tôi cũng vượt qua. Bởi vì, những năm đó cũng có không ít những lời mời gọi từ các cơ quan báo chí, truyền thông bên ngoài với mức lương và thu nhập hấp dẫn hơn rất nhiều so với lương và thu nhập của nhà trường cho một giảng viên.

Một kỷ niệm đáng nhớ là năm 2002, chúng tôi được giao nhiệm vụ làm phim kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Tôi được giao theo dõi tiến độ ghi hình và cùng với phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam (những năm đó, phim truyền thống thường được giao cho tổ Truyền hình của Khoa Báo chí chịu trách nhiệm phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt nam sản xuất và phát sóng nên chúng tôi khá hào hứng với công việc này. Dưới sự chỉ đạo của thầy Vũ Đình Hòe khi đó làm Giám đốc, chúng tôi xây dựng kịch bản và tôi là người được giao viết lời bình cho phim truyền thống. Công việc viết lời bình cho phim đòi hỏi phải tìm hiểu thông tin về truyền thống, lịch sử rất chi tiết và chính xác.

Bên cạnh đó là việc tiếp cận, tìm đến những bậc lão thành đã nghỉ hưu để phỏng vấn về truyền thống. Tôi còn nhớ, lần ấy đã phỏng vấn và đưa vào phim nhiều nhân vật quan trọng là các đồng chí lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ, những học viên của trường đã trưởng thành đang giữ những trọng trách ở các cơ quan báo chí, cơ quan Trung ương và các địa phương. Họ là những nhân vật quan trọng đã có nhiều đóng góp trong tiến trình lịch sử phát triển của nhà trường như thầy Tào Hào, nguyên là Hiệu trưởng, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng khoa kiêm nhiệm Khoa Báo chí, nhà báo Quang Thống, thiếu tướng, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân và thầy Vũ Đình Hòe, lúc đó đang đương nhiệm Giám đốc Phân viện Báo chí và tuyên truyền… Hôm phỏng vấn thầy Tào Hào, chúng tôi đến nhà riêng thầy trong khu tập thể trường. Lúc đó, tuy tuổi đã cao nhưng thầy vẫn hào hứng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm đẹp của một thời nhà trường đang định hình, khi được sáp nhập từ nhiều đơn vị đào tạo để thành trường Tuyên huấn Trung ương. Đó là giai đoạn mang tầm nhìn có tính định hình nên một cơ sở đào tạo quy mô và phát triển cho những năm sau này. Thầy nhắc chúng tôi không được quên những chi tiết về những con người ở những cơ sở cũ mà tên gọi nay đã không còn nữa.

Mỗi thế hệ đều có vai trò quan trọng trong mỗi bước phát triển của nhà trường. Một nhà trường tốt là một nhà trường có nhiều giảng viên tốt, có uy tín chuyên môn trong những lĩnh vực đầu ngành. Phim truyền thống phải trân trọng họ. Từ định hướng tiếp cận này, chúng tôi đã lên giảng đường để phỏng vấn các thầy cô giáo và sinh viên. Lúc đó, PGS,TS Dương Xuân Ngọc đang trên bục giảng. Thầy là một thương binh đã trải qua chiến tranh, đại diện cho một lớp giảng viên trưởng thành từ thực tế chiến đấu, được đào tạo ở Liên Xô về nước, sau này đã trở thành Giáo sư đầu ngành và là Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Những câu chuyện chia sẻ của thầy như những bài học quý cho sự rèn luyện phấn đấu của những lớp giảng viên sau này.

Tôi vẫn giữ một kỷ niệm đáng nhớ của năm 1994, sau khi vừa làm thủ tục nhập hộ khẩu về nhà T28 tập thể Trường Đại học tuyên giáo thì sau đó trường đổi tên thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 1995 mua được một chiếc xe máy, tôi đã phải lo thủ tục đăng ký với rất nhiều loại giấy tờ chỉ để chứng minh rằng: Phân viện Báo chí và Tuyên truyền chính là tên mới của Trường Đại học Tuyên giáo. Bởi vì cùng là tên tôi (một người) nhưng trong hộ khẩu thì ghi địa chỉ trường  Đại học Tuyên giáo, còn trong chứng minh nhân dân ghi địa chỉ ở  Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau những rắc rối, cuối cùng thì tôi vẫn phải đăng ký chiếc xe bằng tên và địa chỉ ở Đại học Tuyên giáo và từ đó vĩnh viễn phải mượn xe của chính mình đến ngày hôm nay, vì trên giấy tờ thì đó là hai con người ở hai nơi khác nhau. Mỗi khi mở đăng ký xe máy thì sự lưu giữ ký ức của một thời một cách hành chính và đầy đủ nhất lại hiện về. Giai đoạn mà lớp chúng tôi tiếp cận với nhà trường mãi được lưu giữ.

Tên gọi của nhà trường Đại học Tuyên giáo ở giai đoạn này tuy ngắn ngủi nhưng đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng từ Trường dấu vuông sang Trường dấu tròn (dấu vuông là các cơ quan trong hệ thống của Đảng, dấu tròn là cơ quan thuộc hệ thống Trường Đại học của Nhà nước). Đã có rất nhiều người học ở trường Tuyên huấn Trung ương xưa được cấp bằng dấu vuông, về sau phải đổi sang bằng dấu tròn mới được công nhận hệ thống bằng cấp Nhà nước. Dù là vuông hay tròn thì những thế hệ đã trưởng thành từ mái trường đã và đang góp phần công sức vun đắp, xây dựng một nhà trường giàu truyền thống đang ngày cành lớn mạnh, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh

Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Bá Lạn Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời  NXB Lao động – Hà Nội 2019
  2. Đức Dũng Các thể ký báo chí NXB Thông tin – Hà nội 1992