Nghề báo “in dấu” vào thơ thiếu nhi tôi

07/12/2021, 15:14

Nghề báo “in dấu” vào thơ thiếu nhi tôi - Nói về chuyện nghề làm báo đã “in dấu” vào thơ thiếu nhi của tôi, đồng nghiệp có thể thấy lạ? Thực tế, tôi cũng chưa đọc bài báo nào có nội dung tương tự. Vậy nên, tôi tâm đắc khi viết về vấn đề này.

                                           

Tập thơ mới xuất bản của nhà báo Nguyễn Minh Nguyên

Có thể bạn ngạc nhiên, hỏi: Nghề làm báo thì có gì liên quan đến thơ thiếu nhi mà “in dấu”? Xin thưa, có. Ai thì tôi không biết, với tôi, là có. Vì tôi vừa làm báo, vừa làm thơ, trong đó có thơ thiếu nhi..

Mới đây, tôi ra mắt tập thơ thiếu nhi, Thích vẽ mẹ nhất, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, tháng 11/2021.Tập thơ này là tập hợp những bài thơ viết trong những thời gian khác nhau. Có bài đã nửa thế kỷ, có bài viết tháng 10/2021, trước khi sách đến tay bạn đọc một tháng. Sở dĩ có sự khác nhau về thời gian như vậy là do tôi chọn những bài thơ “người lớn đọc cũng thấy bình trong đó”- chủ đề bài thơ in “dấu ấn” xã hội, chứ không chỉ diễn đạt sự ngây thơ, ngây ngô của đứa trẻ. Tất nhiên, một bài thơ viết thiếu nhi phải hồn nhiên đảm bảo thuộc tính nghệ thuật Nhưng tôi muốn tiến xa hơn. Đọc thơ thiếu nhi trên thế giới, tôi đã gặp điều này và muốn học tập bút pháp của các tác giả. Học tập nhưng không “máy móc” đơn giản. Tôi vẫn tự nhủ cần cho giữ được bản chất sáng tác cho con trẻ. Hồn nhiên, ngộ nghĩnh một cách trí tuệ, vẫn biết làm được điều này không dễ. Nhưng khi “đã cưỡi trên lưng hổ” phải tiếp tục, không thể “nhảy” xuống được!

Và, niềm đam mê, tình yêu con trẻ đã dẫn tôi đi. Nói chuyện “bếp núc” sáng tác thể loại thơ này một chút. Việc đầu tiên là tìm những ý thơ, chọn những bài thơ người lớn đọc cũng thấy mình trong đó. Tất nhiên, viết cho trẻ, thì trước tiên trẻ phải thích đã. Kinh nghiệm của riêng tôi cho thấy, việc tác giả là người lớn “phân thân” thành đứa trẻ và bút pháp thể hiện sự “phân thân” ấy là khó nhất, mang tính quyết định cho một bài thơ ra đời. Để làm được điều đó, tôi luôn hòa đồng vào cuộc sống sinh hoạt của các cháu trong nhà, đọc sách, quan sát con trẻ mọi lúc mọi nơi trong suộc sống có thể. Việc cuối cùng là: Viết.

Khi mở các trang tập thơ Thích vẽ mẹ nhất  bạn sẽ thấy những cảnh sắc, cuộc sống của các bé thơ, được thể hiện một cách tự nhiên nhất. Con thuyền làm bằng giấy nhưng hình vuông (Tất cả trắng toát/ Thuyền mà hình vuông/ Mái cũng uốn cong…), chở cả nhà đi du lịch trên sông, bé nhớ phải cất trên cao khỏi ướt khỏi rách; Bàn học của bé lớp 2 không đòi hỏi ngăn nắp quá vì tuổi này và tính hiếu động của bé ( Mọi thứ của bé/ Sẽ còn lung tung/ Đòi bàn ngăn nắp/ Tuổi này chưa cần); Mưa rào, trong vườn các chim khác bay hết, duy một chú chim vẫn đứng hót thong thả trên cành như thách thức thiên lôi dù bủa vây sấm chớp. Thiên lôi đành thua, thu về mọi vũ khí. Mưa tạnh hạt, các chim khác lại ùa ra, hót lao xao - ý thơ phản ánh một nét thực trạng xã hội;  Tom và Jerry - mèo và chuột là kẻ thù truyền kiếp của nhau, nhưng qua bài thơ khắc họa những hình ảnh, nhạc điệu ngộ nghĩ, họ lại biết cách sống “hòa thuận” trong hòa bình để cùng tồn tại, phát triển (Sau cuộc cãi vã/ Sau trận ẩu đả/ Người thua kẻ được/ Họ không giận nhau/ Họ không lạnh nhạt/ Mà cùng cười khì); Đeo khẩu trang từ nhiều năm trước là để chống bụi bặm, ô nhiễm môi trường trong thành phố, nhưng bây giờ là “vật bất ly thân” (một thành phần của 5K) của hàng triệu, hàng tỷ người trên thế giới dù nông thanh hay thành thị; Học luật giao thông ở trường, các bé thực hành nghiêm để sau này thành những công dân làm theo luật nghiêm chỉnh, nhưng tan học bé ra khỏi cổng trường lại nhìn thấy người lớn đi xe ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm (Sao các chú các bác/ Đã biết luật giao thông/ Mà lại không đội mũ/ Lại phóng xe ngược chiều?); Thấy ông treo lên tường bức tranh bé vẽ, ông thích nhưng bé - tác giả - không thích (Thế là ông cháu/ Tranh luận rất hăng/ Một cuộc tranh luận/ Khó có điểm dừng)…

                                           

Giới thiệu về nhà báo Nguyễn Minh Nguyên

Ngẫm nghĩ, tôi nhận thấy, những chủ đề trong các bài thơ thiếu nhi mình viết ẩn sau câu chữ, nhạc điệu, hình ảnh hồn nhiên là ngụ ý xã hội, có lẽ người lớn đọc cũng nghĩ… như tôi. Bài thơ Tom và Jerry,mang thông điệp về chung sống hòa bình - tư tưởng của thời đại chúng ta đang sống? Đặc biệt, nếu không nhắc đến truyện thơ “Cá Bống chào chị Bống!” dài gần 500 câu trong tập thơ, sẽ để lại một khoảng trống lớn. Truyện thơ, là câu chuyện vừa có thật vừa hư cấu, kể về câu chuyện “chu du” của một con cá Bống được nuôi trong bình nước của bé Bống. Sau đó, cá được mang ra thả xuống sông Hồng. Từ đây bắt đầu một hành trình đầy bí ẩn và bất trắc của cá Bống, mang tính tự nhiên và xã hội khi cá ra với môi trường sông nước tự nhiên…   

Năm nay là năm Nhâm Dần (Con Hổ), tôi tự nhiên nhớ đến hình ảnh con vật tượng trưng cho tốc độ - hổ. Trong lao động nghệ thuật, như làm thơ cho thiếu nhi, kỳ lạ có tâm lý đôi khi như… cưỡi trên lưng hổ. Khi cảm xúc dâng lên, cuốn ta đi thì bút không thể dừng lại, giống như… đang trên lưng hổ. Dừng lại là rất khó “xuống”, dừng lại là mất cảm hứng đồng nghĩa mất bài thơ. Điều này pha màu sắc nghề báo - nghề đậm chất phiêu lưu. Nghề làm báo, tư duy nghề nghiệp, đã “in dấu” vào các bài thơ thiếu nhi của tôi. Giờ mặc dù đã là người lớn tuổi, tôi vẫn viết cho thiều nhi, coi đó như một cách sống chậm giúp tôi cân bằng trước cuộc sống số hiện nay.

Với tôi, thơ thiếu nhi là những hạt sương mai của mùa xuân, “in dấu” nghề báo, giúp mình có cảm xúc “đẩy lùi” thời gian…

                                                                           Đón xuân 2022

 NGUYỄN MINH NGUYÊN