Mẫu rập khuôn về giới qua hình tượng người nổi tiếng nữ trên báo điện tử

22/04/2020, 23:29

Mẫu rập khuôn về giới qua hình tượng người nổi tiếng nữ trên báo điện tử - Bất bình đẳng giới luôn là một vấn đề của xã hội. Khi bước vào kỷ nguyên truyền thông số, vấn đề bất bình đẳng giới càng lan rộng hơn.

Người phụ phụ nữ trong con mắt của đàn ông như những tĩnh vật để ngắm nghía, để thưởng thức, để đánh giá và chính điều này gây ra sự bất bình đẳng giới

Báo điện tử trở thành địa bàn nghiên cứu lý thú để tìm hiểu về việc liệu những phương thức truyền thông mới có làm củng cố thêm những mẫu rập khuôn về giới.

Bức tranh tin tức về người nổi tiếng

Sự xuất hiện của hiện tượng “người nổi tiếng” bắt nguồn từ khoảng 50 năm trước trong văn hóa đại chúng Mỹ. Ở Việt Nam, hiện tượng này chỉ thực sự được chú ý từ khoảng 20 năm trước khi truyền thông giải trí bắt đầu lan rộng. “người nổi tiếng” được sử gia người mỹ Daniel J. Boorstin nhận định là do “truyền thông tạo nên”. Vì vậy, có thể nói, người nổi tiếng là sản phẩm của truyền thông.

Mẫu rập khuôn giới được tái tạo trên hình tượng người nổi tiếng, bởi cơ chế của sự tái hiện - là một quá trình lựa chọn. Quá trình lựa chọn được thực hiện để tìm ra đối tượng này đặc quyền hơn đối tượng khác và đem tới ưu thế được tái hiện nhiều, nhanh chóng hơn. giống như việc hình thành hình tượng người nổi tiếng, mẫu rập khuôn giới là một đối tượng được lựa chọn để trở nên ưu thế hơn. Do đó, nó lặp lại nhiều lần và trở thành nhân tố của sự kiến tạo nên hình tượng người nổi tiếng trên truyền thông.

Khi truyền thông đại chúng ngày càng phát triển, các phương tiện truyền thông trở thành thiết chế quan trọng giúp sản sinh, duy trì, và củng cố các mẫu rập khuôn giới. Trong đó, báo điện tử dựa trên các ưu thế của mạng internet, trở thành một kênh truyền thông nổi bật với các đặc tính như khả năng lưu trữ, khả năng tích hợp các loại hình văn bản phong phú và tính năng tương tác cao, cũng là phương tiện giúp phát tán mẫu rập khuôn về giới nhanh chóng hơn, lan rộng hơn.

Trên thực tế, thông tin về người nổi tiếng trên hầu hết các trang báo mạng đều chiếm một số lượng khá lớn. Đặc biệt, thông tin về người nổi tiếng nữ thường chiếm đa số so với thông tin về người nổi tiếng nam hay người nổi tiếng trong cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (LGBT).

Ngoài ra, trong chủ đề tin tức về người nổi tiếng nữ, thông tin riêng tư cũng thường gấp nhiều lần so với thông tin về công việc. Đây là diễn biến tất yếu trong dòng chảy của thông tin về người nổi tiếng và dần dần, trở thành một xu hướng quan trọng giúp kiến tạo nên hình ảnh của họ.

Thông tin về người nổi tiếng nữ thường chiếm số lượng tin bài lớn trên các trang báo mạng

Ba mẫu rập khuôn gán định cho nữ giới

Mẫu rập khuôn thứ nhất thể hiện qua sự phổ biến của hình ảnh hở các bộ phận cơ thể của người nổi tiếng nữ trên báo điện tử. Báo điện tử cho phép đăng ảnh thường xuyên với số lượng lớn hơn báo in, tạp chí, vì thế, ở đây không chỉ là sự phô bày cơ thể, mà còn là sự đa bội và bão hòa của da thịt. Việc phô bày thân thể đã được “bình thường hoá”, “tự nhiên hoá”, được chấp nhận như một điều không cần bàn cãi trong diễn ngôn công cộng. ngoài ra, trong các bức hình, người nổi tiếng nữ để lộ nhiều nhất là bộ ngực. Chính sự thường xuyên xuất hiện của bộ ngực, bộ phận được coi là dấu hiệu sinh học để phân biệt hai giới rõ ràng nhất, cũng là bộ phận mang khả năng kích thích tình dục nhất đối với đàn ông, càng thể hiện sự hạn chế trong nhìn nhận về hình thức và càng giảm thiểu vai trò của phụ nữ xuống thành đối tượng của tình dục.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện nhiều nội dung về vẻ ngoài như “Hạ Vi, Ngọc Lan đọ sắc với váy hở vai”, “Phạm Hương khoe đường cong nóng bỏng với đầm bó sát”, “Hồ Hà khoe lưng trần gợi cảm” v.v.. cũng đang tạo ra bể thông tin về người nổi tiếng nữ thoạt trông thì đa dạng, nhưng lại cực kỳ nghèo nàn chất lượng thông điệp.

Điểm lưu ý là, khi so sánh với tin tức về người nổi tiếng nam, dù tin tức về nam giới cũng có mẫu rập khuôn nhưng hầu như không thuộc chủ đề về ngoại hình. Một số báo điện tử rút tít liên quan đến hình thức của nữ giới như: “Lan Khuê mặc váy khoét sâu ngực”, “Hà Anh khoe hình thể với mốt không nội y”... Tuy nhiên, liên quan đến người nổi tiếng nam, thì các báo thường rút tít như: “Trấn Thành chạy show trước đám cưới”, “Đàm Vĩnh Hưng mang tâm trạng buồn đi diễn”... Điều này càng khẳng định sự quy giản về hình thức với người nổi tiếng nữ và sự tác động của họ đều đến từ vẻ đẹp xác thịt này.

Ngay chính họ cũng coi vẻ đẹp ngoại hình là sức mạnh của nữ quyền. Khi tìm hiểu về các phát ngôn của người nổi tiếng nữ như “Đẹp cho tôi có quyền chảnh” - Hồ Ngọc Hà, “Phụ nữ đẹp là người không bao giờ bỏ quên nhan sắc của mình” - Phạm Hương hay “Sexy là thương hiệu của Thu Minh” thì họ đều coi sự thay đổi ngoại hình là sự thành công, là tự do hay phương tiện để tìm kiếm quyền lực của phụ nữ.

Sự thực được chứng minh qua trường hợp thực tế khi truyền thông giải thích sự thay đổi về sự nghiệp của người nổi tiếng trong tương quan với thay đổi về ngoại hình. Ca sĩ Lưu Hương Giang và Thủy Tiên được cho là có sự “lột xác” về ngoại hình để trở nên quyến rũ hơn, thời trang hơn và vì thế họ “thành công” hơn. Còn ca sĩ Hương Tràm cũng theo đuổi phong cách gợi cảm, với gu thời trang phô bày cơ thể. Người phụ nữ không những bị quy giản xuống chỉ còn hình thức mà trong cuộc sống, họ cũng chỉ được nhìn nhận giới hạn bởi tình yêu, chồng con và chuyện mua sắm.

Trên các trang báo điện tử, hình ảnh người phụ nữ trong câu chuyện về cuộc sống luôn gắn liền với hình mẫu người mẹ, người vợ, là người vun vén, chăm lo cho gia đình qua các công việc như nội trợ, giáo dục con cái. Đặc biệt, sự xuất hiện thường xuyên của người đàn ông trong cuộc sống của họ như một sự nhắc nhở rằng người phụ nữ luôn sống trong không gian mà nam giới quy định, vị trí của họ là do nam giới gán định và họ chưa thể nào thoát ra được không gian, vị trí này.

Ngoài ra, trong tin tức về người nổi tiếng, chuyện mua sắm cũng luôn chiếm một phần lớn. những tin tức này xuất hiện nhiều trên các trang báo điện tử ngay cả ở những trang báo đưa tin tức tổng hợp chứ không chỉ riêng giải trí. Chính sự xuất hiện thường xuyên của những tin tức này đã tạo ra ham muốn sử dụng tiền để làm đẹp, mua sắm của phụ nữ. Và khi ham muốn này trở nên mãnh liệt, nó thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng.

Khi người nổi tiếng càng gắn bó với hình ảnh thương hiệu, sự phổ biến tin tức hay ảnh hưởng của họ luôn có lợi cho thương hiệu mà họ làm đại diện, đặc biệt là trong việc tiêu thụ sản phẩm. Và khi người nổi tiếng nữ vẫn luôn xuất hiện với vẻ ngoài hoàn mĩ và gắn liền hình ảnh với các sản phẩm như mỹ phẩm, trang sức, quần áo v.v.. họ trở thành một mồi câu để kéo phụ nữ vào cuộc chạy đua vô tận vì cái đẹp.

Để rồi phụ nữ tưởng rằng cuộc chạy đua vì cái đẹp là để tìm kiếm sự thành công, định vị cá nhân hay những giá trị công bằng, nhưng thực chất, mục đích cuối cùng của cái đẹp mà họ vẫn luôn theo đuổi lại là đàn ông. Người phụ nữ đẹp là để cho nam giới - mối quan hệ đã luôn ràng buộc giữa phụ nữ và đàn ông.

Mối quan hệ này thực sự được thể hiện rõ ràng nhất trong câu nói của John Berger: “Đàn bà như thị cảnh, Đàn ông như kẻ nhìn”. John Berger đã so sánh tranh ảnh thời Phục Hưng với tranh ảnh thời hiện đại để khẳng định rằng, sự phô bày cơ thể của phụ nữ vẫn luôn nằm trong hệ tiêu chuẩn từ “cái nhìn của nam giới”, để phục vụ nam giới. Người phụ phụ nữ trong con mắt của đàn ông như những tĩnh vật để ngắm nghía, để thưởng thức và đánh giá.

Từ đây, có thể thấy rằng, bất bình đẳng giới không chỉ là sự kỳ thị khi xã hội áp cái tiêu chuẩn lên người phụ nữ mà quan trọng hơn là tự kỳ thị khi những khuôn sáo về giới tính đã bị người phụ nữ nội hóa vào trong chính cách đánh giá, nhìn nhận bản thân. Phụ nữ sẽ có kỳ vọng là họ phải đẹp vì người đàn ông của họ và tin rằng thay đổi hình thức là thay đổi về nội tâm cũng như giá trị. Dù điều này không sai, nhưng người phụ nữ phải hiểu rằng cái căn tính của họ còn phong phú hơn nhiều vẻ đẹp hình thức. Vì thế, điều cần nhấn mạnh ở đây là mối quan hệ phức tạp giữa kỳ thị và tự kỳ thị đã làm bất bình đẳng giới trở nên sâu sắc và càng khó giải quyết hơn.

Báo chí truyền thông với sứ mệnh và nhiệm vụ là cơ quan cung cấp thông tin, định hướng xã hội, cần phải có hướng đưa tin đúng đắn loại bỏ suy nghĩ bất bình đẳng giới

Cần đưa tin đúng cách

Trước hết, cần đặt ra những quy định chặt chẽ cho báo điện tử về việc cung cấp các thông tin liên quan đến người nổi tiếng, đặc biệt là người nổi tiếng nữ: nên hạn chế những bài viết về cơ thể hay trang phục của họ, đồng thời cũng nên tạo ra những nội dung đưa tin phong phú hơn về họ bên cạnh những câu chuyện về gia đình, đàn ông hay chuyện mua sắm.

Hai là, cần đặt ra những chuẩn mực trong việc đặt tít cho các thông tin về người nổi tiếng nữ cũng như việc sử dụng hình ảnh trong các bài viết về họ: nhất là việc sử dụng những hình ảnh hở hang.

Ba là, nhà báo cần coi trọng đạo đức nghề nghiệp, để mỗi người có những định hướng và hiểu biết đúng đắn về các vấn đề bình đẳng giới, đưa tin đúng cách, đúng nội dung, không tiếp tục đặt ra một mẫu rập khuôn lên phụ nữ.

Xét cho cùng, việc giải quyết bất bình đẳng giới là một vấn đề cần sự góp sức của toàn xã hội. Nhưng, báo chí truyền thông với sứ mệnh và nhiệm vụ là cơ quan cung cấp thông tin, định hướng xã hội, cần phải có hướng đưa tin đúng đắn loại bỏ suy nghĩ bất bình đẳng giới, để giúp xã hội trở nên văn minh, công bằng hơn đối với người phụ nữ./.

Phạm Bình Minh

--
Tài liệu tham khảo
1. Graeme Turner (2004), Understanding Celebrity, Sage Pubilcation Ltd, London.
2. John Berger (1973, Ways of Seeing, British Broadcasting Corporation
3. John Harleys (2002), Communication, Cultural and Media Studies: The Key Concepts, Routledge, London
4. Pierre Bourdieu (1998), Sự Thống Trị Của Nam Giới, Nhà xuất bản Tri thức, Việt Nam
5. Ronald Barthes (1957), Những Huyền Thoại, Nhà xuất bản Tri thức, Việt Nam