Lật lại vụ bê bối sử dụng email của bà Hillary Clinton

08/02/2017, 16:28

Lật lại vụ bê bối sử dụng email của bà Hillary Clinton - Vụ bê bối liên quan đến sử dụng email của bà Hillary được báo chí Mỹ phanh phui từ tháng 3/2015. 11 ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 diễn ra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lại vào cuộc điều tra về vụ bê bối này.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với rắc rối từ hơn 60.000 email

Mặc dù sau đó bà Hillary không bị khởi tố, nhưng dường như nó đã trở thành điềm báo xấu trước khi ván bài được lật ngửa. Giấc mơ trở thành“chủ nhân Nhà Trắng” của bà Hillary đã không thể trở thành hiện thực, mặc dù trước đó, hãng Reuters nhận định bà có 90% cơ hội chiến thắng trước ông Donald Trump.

Những rắc rối từ hơn 60.000 email

Ngày 3/3/2015, tờ Thời báo New York đăng tải bài viết có nhan đề “Bà Hillary có thể vi phạm quy định về sử dụng email cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ”. Bài viết nêu rõ, trong suốt 4 năm giữ chức Ngoại trưởng (2009 - 2013), bà Hillary Clinton đã thiết lập một máy chủ email tại nhà riêng ở Chappqua, New York và sử dụng máy chủ này để duy trì địa chỉ email hdr22@clintonemail.com cho tất cả liên lạc điện tử (gồm cả việc công lẫn việc tư).

Mồi lửa châm ngòi cho vụ “bê bối email” hoàn toàn ngẫu nhiên, ngọn nguồn sự kiện có thể ngược dòng trở lại năm 2012. Hạ viện Mỹ đã thành lập Ủy ban điều tra độc lập sự kiện Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi (Syria) bị tấn công hồi tháng 9 cùng năm. Vụ tấn công này đã khiến 4 công dân Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Syria Chris Stevens thiệt mạng, Ủy ban yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp các giấy tờ có liên quan với dung lượng gồm hàng nghìn văn kiện, nhưng sau đó phát hiện ra rằng, số văn kiện này chưa phải là tất cả, trong đó không có bất kỳ email công vụ nào của bà Hillary, tuy nhiên Ủy ban này không hay biết gì về vấn đề đó.

Mãi cho đến năm 2015, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đưa ra những quy định mới về hồ sơ Liên bang, yêu cầu các loại văn kiện - bao gồm email trao đổi từ thời Ngoại trưởng Albright trở về sau đều phải được lưu giữ trong hồ sơ liên bang. Lúc này, trợ lý của bà Hillary là Huma Abedin mới bắt đầu rà soát và đọc lại hàng chục nghìn trang thư điện tử của bà để quyết định giao những thư nào cho Bộ Ngoại giao, hành động dùng email riêng để xử lý việc công của bà Hillary mới bị phanh phui.

Vì đâu nên nỗi?

Vụ bê bối email vẫn tiếp tục kéo dài, có hai điểm then chốt mà báo chí Mỹ tập trung vào công kích: Bà Hillary sử dụng email cá nhân cho việc công, tức dùng hòm thư cá nhân để giải quyết các sự vụ của chính phủ; Bà Hillary tự ý xóa email, các email công vụ chưa được kịp thời đưa vào hồ sơ để lưu trữ. Đây chính là nguyên nhân chính khiến bà bị chỉ trích, thậm chí có thể phải đối mặt với nguy cơ bị khởi tố.

Thời gian đầu bà Hillary tỏ thái độ né tránh về vụ bê bối email, sau đó vẫn buộc phải lên tiếng phản hồi và công khai một số email. Theo bà Hillary, có hai lý do quan trọng khiến bà sử dụng email cá nhân cho việc công là:

Dùng email cá nhân giải quyết việc công thuận tiện hơn:

Bà Hillary cho rằng, dùng một thiết bị giải quyết mọi sự vụ sẽ đơn giản hơn dùng hai thiết bị. Bà chỉ cần sử dụng một chiếc smart phone là đủ. Theo yêu cầu của Chính phủ Liên bang, việc công và việc tư cần tách riêng giải quyết, thông thường các quan chức của Chính phủ Mỹ phải dùng hai chiếc smart phone, một cho việc công, một cho việc tư vì tại thời điểm đó, điện thoại Blackberry dùng cho quan chức chính phủ không thể truy cập cùng lúc nhiều địa chỉ email.

Dùng email cá nhân giải quyết việc công có độ an toàn cao như email chính phủ:

Lý do khiến chính phủ Liên bang yêu cầu quan chức sử dụng tài khoản nội bộ là do những xem xét về vấn đề an ninh, vì so với địa chỉ email của chính phủ, an ninh của các email cá nhân không có tính bảo mật cao. Tuy nhiên, bà Hillary lại thanh minh rằng, máy chủ email cá nhân của mình an toàn, bảo mật như của chính phủ. Lý do thứ nhất là bà không bao giờ sử dụng email cá nhân giải quyết các thông tin tuyệt mật, hai là hệ thống thư điện tử của bà chưa bao giờ bị đánh sập. Bà Hillary cho rằng, chỉ cần không đề cập đến những vấn đề cơ mật trong email, hệ thống thư điện tử ổn định là đồng nghĩa với việc dùng email cá nhân giải quyết việc công không tồn tại rủi ro về an ninh.

Theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Hillary đã phải cung cấp một bản báo cáo dài 9 trang, đồng thời chuyển giao khoảng 55.000 email công vụ trong thời gian từ ngày 13/8/2009 đến ngày 1/2/2013 cho cơ quan này, trong đó 90% số người liên hệ đều sử dụng email chính phủ, tất cả email đã được đưa vào hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy nhiên, số email trao đổi công việc mà bà Hillary chuyển giao trong 4 năm giữ chức vụ Ngoại trưởng Mỹ chưa đến 20.000 thư, tức mỗi ngày khoảng 14 email. Với vai trò là vị Ngoại trưởng cần mẫn nhất trong lịch sử nước Mỹ, trong vòng 4 năm, trung bình mỗi ngày chỉ có 14 email trao đổi là điều vô lý, vì theo thường quy, rất ít quan chức bậc cao trong chính phủ mỗi ngày chỉ gửi và nhận chưa đầy 20 email liên quan đến công việc. Thực tế, trong email của bà Hillary có 62.320 lá thư trao đổi, 31.380 lá thư cá nhân bị xóa đi.

Mặc dù bà Hillary thanh minh gần 32.000 email bị xóa đi đều chỉ có nội dung liên quan đến những công việc cá nhân như tập Yoga, việc kết hôn của con gái Chelsea, lo đám tang cho mẹ, nhưng hành động tự ý xóa email của bà bị Chính phủ Mỹ coi là không thỏa đáng, một là quá trình xóa không được giám sát, hai là tiêu chuẩn phân loại thư hoàn toàn do cá nhân bà nắm bắt, điều này không thể bảo đảm rằng những lá thư bị xóa không bao gồm các thư công vụ, và cũng khó khẳng định rằng bà Hillary không xóa các thư có nội dung nhạy cảm hoặc bất lợi cho cá nhân bà.

Những ảnh hưởng tiêu cực từ vụ bế bối email

Đối với cá nhân cựu Ngoại trưởng Hillary hay Chính phủ Mỹ, vụ bê bối email đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Trong đó, nổi cộm nhất là hình ảnh cá nhân của bà Hillary bị xấu đi, con đường tranh cử gặp trắc trở.

Sau khi tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, với thân phận đặc biệt từng là cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, cựu Thượng nghị sĩ liên bang, cựu Ngoại trưởng, bà Hillary được coi là ứng cử viên sáng giá nhất và có sức cạnh tranh mạnh nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đã nắm bắt thời cơ, coi vụ bê bối email để gây sức ép cho bà Hillary, buộc bà phải lên tiếng. Thái độ cứng rắn của bà Hillary về sự việc này đã vấp phải những lời chỉ trích gay gắt từ phía báo chí và công chúng Mỹ. Báo chí Mỹ chỉ trích bà có “thái độ ngạo mạn”, “qua loa đại khái”, thậm chí là “dối trá”, công chúng Mỹ cũng không hài lòng với câu trả lời của bà. Hình ảnh cá nhân của vị cựu đệ nhất phu nhân xấu đi trông thấy.

Nếu nói vụ bê bối liên quan đến email bộc lộ điểm yếu nhận thức về an ninh thông tin mơ hồ, ranh giới công - tư không minh bạch, bất lợi cho hình ảnh cá nhân của bà Hillary thì sự kiện điện thoại di động xảy ra ngay sau đó lại càng khiến hình ảnh bà Hillary trong mắt công chúng Mỹ xấu hơn. Trong thời gian trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary không sử dụng điện thoại di động Blackberry do Chính phủ cung cấp.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ “không yêu cầu bắt buộc phải sử dụng điện thoại di động chuyên dụng”, nhưng việc sử dụng loại điện thoại khác có thể tồn tại nguy cơ lớn về an ninh. Từ sử dụng email đến điện thoại di động, trong mắt công chúng Mỹ, bà Hillary đã bị dán mác “ý thức về an ninh thông tin kém”, đây là điều vô cùng bất lợi cho bà trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

11 ngày trước bầu cử, FBI công bố mở lại cuộc điều tra bê bối sử dụng email cá nhân của bà Hillary. Mặc dù trước thời điểm bầu cử 2 ngày, FBI tuyên bố không tìm thấy bằng chứng phạm tội của bà Hillary, nhưng cuối cùng, giấc mơ trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ mà vị cựu đệ nhất phu nhân này mong chờ cũng không thể trở thành hiện thực./.

Quỳnh Hương