
Kỷ niệm nghề: Đổi gạo cho dân và miếng thịt trong mưa lũ
-
Thấm thoắt đã tròn 10 năm tôi gắn bó với nghề, dù chưa phải là
dài nhưng cũng không quá ngắn để có những dấu ấn và kỷ niệm đẹp trong hành
trình học cách trở thành một nhà báo chiến sĩ. Đặc biệt với tôi, những câu chuyện,
những ân tình về biên giới, về đồng đội quân hàm xanh và các cô giáo vùng cao luôn
rất sâu nặng.
Bộ đội giúp dân dựng lại nhà ở Tùng Chỉn. Ảnh: Thiết Hùng
Đổi gạo cho dân, mượn xe cô giáo
Mùa thu 9 năm trước, tháng 9/2008, hoàn lưu của cơn bão số 4 gây mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất chôn vùi 19 người ở bản Tùng Chỉn, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tôi, cậu thiếu úy - phóng viên trẻ của Báo QĐND nhận lệnh xách ba lô lên đường vào vùng lũ quét để ghi nhận, phản ánh thiệt hại cũng như công tác giúp dân khắc phục hậu quả của chính quyền và lực lượng vũ trang.
Tôi nhập vào đội hình Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn bộ binh 82 - nay là Lữ đoàn bộ binh 82 (Quân khu 2) từ thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hành quân lên giúp dân. Tiểu đoàn gồm 300 quân dưới sự chỉ huy của Trung tá Lại Mạnh Hùng, Phó Trung đoàn trưởng đã vượt chặng đường hơn 300 cây số để sang đến đây. Ngay sau đó, chúng tôi đi bộ vào thôn Tùng Chỉn, rồi chia đội hình thành 3 đại đội. Một đại đội ở lại thị trấn Trịnh Tường, một đại đội đi bộ lên xã A Lù, một đại đội hành quân ngược tận xã Y Tý để giúp đồng bào dựng lại nhà cửa.
Mưa vẫn tiếp tục dai dẳng, giao thông chia cắt, số gạo cùng lương khô mà bộ đội mang theo khi hành quân bị ướt gần hết, thậm chí cả mì tôm cũng dần cạn kiệt. Sau gần 1 tuần lương thực khan hiếm, chúng tôi phải vào những nhà dân ở nơi cao ráo, còn thóc gạo để xin đổi gạo ướt. Đồng bào ở đây hầu hết là người Mông và người Dao, rất chân thật, tốt bụng.
Một buổi, tôi đi bộ từ xã A Mú Sung lên xã A Lù, trên đường ghé qua thăm Điểm trường Tiểu học. Tại đây tôi gặp hai cô giáo cắm bản. Cả hai cô đều chưa chồng và rất trẻ. Họ ở trong một gian nhà công vụ tạm bợ được dựng bằng gỗ, tre và bạt dứa. Suốt cả tuần mưa lũ, đường sá không đi lại được, họ chỉ quanh quẩn trong phòng. Điện không có, thức ăn hết lại úp mì tôm ăn. Trời vẫn mưa rả rích, nước mưa dột nhỏ tong tong qua phên dứa phải hứng xô khắp nhà. Gió rít như ma trêu qua từng khe liếp, ở đây chỉ có hai cô giáo và nỗi cô đơn đến gai người.
Tôi đến, các cô mừng lắm, cứ giữ ở lại ăn cùng rồi không cho về. Tôi nói không thể ở vì phải ra thị trấn Trịnh Tường gửi bài về cơ quan. Biết không giữ được tôi, các cô dắt chiếc xe máy “giấc mơ” (Dream) cũ quấn đầy xích quanh bánh ra rồi nói: “Anh lấy tạm xe bọn em mà đi ra thị trấn cho nhanh. Mai kia anh quay lại hãy chở giúp bọn em ít gạo, rau và nước mắm. Còn nếu anh không quay lại thì cứ gửi xe ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường, bọn em xuống lấy cũng được”. Tôi thấy các cô nhiệt tình quá cũng đành dắt xe rồi chào ra về. Nhưng thú thật buổi hôm đó, tôi đánh vật với chiếc xe để ra tới Đoàn Kinh tế quốc phòng 345 vì đường quá lầy lội, sạt lở.
Miếng thịt lợn ở bản Séo Phìn Chư
Ngày hành quân thứ 7, tôi tách đội hình đi bộ cùng Trung úy Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Kinh tế quốc phòng 345) vào bản Séo Phìn Chư, một bản bị cô lập hoàn toàn về giao thông do mưa lũ. Sau hơn 3 giờ đồng hồ vừa đi bộ dưới mưa vừa gặm mì tôm sống, chúng tôi vào tới nơi. Bản người Mông nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, tan hoang xói lở sau lũ.
Tôi đi bộ vào bản khi đã quá trưa, sau khi bò ngược con dốc trơn nhẫy như đổ mỡ, tôi đến nhà Trưởng bản Séo Phìn Chư. Trong nhà đang ồn ã đông người tập trung mổ thịt con lợn nặng hơn tạ đã nuôi mấy năm trời.
Trưởng bản người Mông nói với tôi bằng chất giọng còn ngọng tiếng phổ thông: “Ầy, mưa to quá, đường không đi được, thức ăn hết sạch rồi. Tuần nay bộ đội lên giúp bản dựng lại nhà, toàn ăn mì tôm với lương khô. Hôm nay tao mổ con lợn già này đãi bộ đội, con lợn tao nuôi mấy năm rồi đấy”.
Tôi bước vào nhà, nhiều nhóm người đang tất bật chuẩn bị bữa trưa. Nhóm thì xẻ thịt, nhóm làm lòng, nhóm đang nấu cơm... Bên ngoài, cách sân chừng 30m, một tiểu đội vẫn đang dầm mình dưới mưa để dựng nốt cái mái nhà mới sau khi bị đổ... Mặt người lính nào cũng ướt sũng mà đỏ gay.
Hơn 1 giờ chiều, mọi người tập trung ăn cơm quây quần, cả bà con dân bản và bộ đội ngồi quanh nền đất trải lá chuối. Tôi ăn vội vàng, vừa hỏi han vừa ghi chép thêm thông tin, máy ảnh đã bị dính nước không chụp được. Trưởng bản Séo Phìn Chư thấy tôi mặc quân phục, lại là nhà báo nên càng niềm nở nói chuyện.
Tôi đi ra tới chân dốc, trưởng bản chạy theo, ông ngã oạch mấy cái liền mà mồm vẫn hô to: “Bộ đội nhà báo ơi, đợi tao đưa cái này đã”. Tôi đứng lại, trưởng bản đến gần dúi vào tay tôi tảng thịt lợn đùi chừng gần 2kg được xâu dây lạt giang cẩn thận, rồi nói: “Mày cầm cái này về dưới A Mú Sung mà ăn, mấy hôm nay mưa to, lũ đổ, đường tắc, không có thức ăn đâu. Tao biết bộ đội cũng ăn mì và lương khô chán rồi...”.
Tôi từ chối không nhận và nói để lại cho anh em đang giúp dân làm nhà nhưng trưởng bản không nghe. Ông ấy nói: “Không được đâu, bộ đội tới làm nhà, tao thịt cả con lợn to đãi rồi. Mày cũng là bộ đội, đã vất vả vào đây, cầm thịt này về ăn đi, lợn nhà tao nuôi, không mang về là không được đâu...”. Trung úy Hùng quay sang nhìn tôi nháy mắt gật đầu, tôi cười cầm lấy tảng thịt rồi cảm ơn trưởng bản đi về... Suốt chặng đường đi bộ ra A Mú Sung, mưa dần nặng hạt, nước mưa chảy đẫm mắt kính, rét co ro mà tôi vẫn thấy vui. Tôi cứ nghĩ về miếng thịt lợn và gương mặt vui vẻ chân tình của Trưởng bản Séo Phìn Chư mà cảm thấy trân trọng ân tình đến thế!
Sau này tôi trở lại Bát Xát, Đồn Biên phòng Trịnh Tường, Đoàn Kinh tế quốc phòng 345... vài lần mà không gặp lại các cô giáo ở điểm trường năm đó. Tôi cũng chưa có dịp về thăm bản Séo Phìn Chư. Nhưng đúng là nghề báo, nghiệp lính đã cho tôi những kỷ niệm đẹp về tình quân dân không thể nào quên. Và câu chuyện đổi gạo cho dân, mượn xe cô giáo cùng miếng thịt lợn trong cơn mưa lũ sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời. Tôi gọi đó là những ân tình tận biên ải./.
Hoàng Trường Giang

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
