
Hiện tượng nhà báo dùng mạng xã hội
-
Theo thống kê, 96% người làm báo Việt Nam đang sở hữu tài khoản Facebook. Trong số đó có những nhà báo đang sử dụng Facebook như một công cụ để tham gia các phong trào xã hội...
Những con số này đánh dấu sự dịch chuyển vai trò của nhà báo, từ tường thuật và phản ánh một cách khách quan sang chủ động kết hợp giữa các kỹ năng báo chí và ưu thế kết nối, lan toả của mạng xã hội, để tạo ra sự thay đổi trong thực tiễn cuộc sống.
Bài viết này trình bày kết quả khảo sát thống kê định lượng, cho thấy mức độ và phạm vi sử dụng mạng xã hội của nhà báo Việt Nam.
Mô tả khảo sát
Khảo sát được tiến hành cuối năm 2016, đầu năm 2017. Bảng câu hỏi được gửi qua thư điện tử tới hơn 1.000 học viên tham gia các khoá học trong năm 2015-2016 do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, trực thuộc Hội Nhà Báo Việt Nam, tổ chức.
Số học viên này đại diện cho nhiều hình báo chí (báo in, báo phát thanh - truyền hình, báo điện tử), đa dạng về vùng miền, tỉnh thành trên toàn quốc, đa dạng trong các kỹ năng báo chí (viết báo, ảnh báo chí, quay phim, biên tập, kỹ thuật viên, hoạ sĩ thiết kế - trình bày ) và đa dạng trong các vị trí trong toà soạn (từ phóng viên đến cấp lãnh đạo và quản lý). Đã có 227 người điền vào bảng câu hỏi.
Tính tới thời điểm tháng 12/2016, Hội Nhà báo có 24.334 hội viên. Như vậy khảo sát này đã được thực hiện với xấp xỉ 1% số người làm báo Việt Nam.
Nghề báo đòi hỏi sự khách quan và cân bằng trong việc phản ánh hiện thực. Vì vậy, nhà báo cần ở vị trí người quan sát chứ không trực tiếp tác động tới đối tượng họ đang phản ánh.
Tuy nhiên, có một số loại hoạt động nếu nhà báo tham gia có thể làm cho thực tiễn thay đổi. Trong khảo sát này, 8 hoạt động đã được lựa chọn để tìm hiểu mức độ tham gia của các nhà báo.
Tám hoạt động đó bao gồm: (1) Làm từ thiện hoặc kêu gọi làm từ thiện trên mạng; (2) Bình chọn hoặc kêu gọi bình chọn trên mạng (Vote), đóng góp vào kết quả chung cuộc của cuộc thi; (3) Ký tên vào bản kiến nghị (Petition); (4)Tham gia hội nhóm người hâm mộ hoặc phản đối trên mạng xã hội (FanPage/Anti-FanPage); (5) Bình luận chính sách trên báo chí chính thống; (6) Bình luận chính sách trên mạng xã hội; (7) Vận động chính sách (advocacy): tham gia các hoạt động lobby cho sự ra đời chính sách mới hoặc điều chỉnh chính sách hiện hành để mang lại lợi ích cho một số nhóm người; và (8) Trực tiếp tham gia những hoạt động đấu tranh, gây sức ép để các cơ quan, tổ chức phải thay đổi quy định và cách làm việc.
Trong số những hoạt động này, các hoạt động số 1,2,3, 4 và 6 được thực hiện chủ yếu trên môi trường Internet, đặc biệt là được lan toả, chia sẻ trên mạng xã hội, chủ yếu là Facebook.
Khảo sát đưa ra 4 mức độ tham gia như sau: (i) Không tham gia; (ii) Tham gia với vai trò công dân; (iii) Tham gia với vai trò nhà báo; và (iv) Tham gia trong vai trò khác, như hội viên các hiệp hội, câu lạc bộ…
Kết quả khảo sát
Kết quả khảo sát được trình bày trong các bảng và đồ thị dưới đây:
Bạn có Facebook không? |
||
---|---|---|
Số người không trả lời |
2 |
|
Số người trả lời |
225 |
|
Trả lời |
Phần trăm |
Số lượng |
Có |
96,89% |
218 |
Không |
3,11% |
7 |
Bảng 1: Thống kê số nhà báo Việt Nam dùng Facebook 2017
Đồ thị 1: Mức độ tham gia của nhà báo Việt Nam vào những hoạt động can thiệp tới thực tiễn
Bạn tham gia những hoạt động nào, trong vai trò gì? |
||||
---|---|---|---|---|
|
Không tham gia |
Vai trò công dân |
Vai trò nhà báo |
Vai trò khác |
Từ thiện trên mạng |
28.19% 64 |
48.02% 109 |
14.54% 33 |
9.25% 21 |
Bình chọn trên mạng |
25.55% 58 |
61.23% 139 |
8.37% 19 |
4.85% 11 |
Ký tên vào bản kiến nghị |
73.57% 167 |
22.91% 52 |
2.20% 5 |
1.32% 3 |
Tham gia FanPage |
69.60% 158 |
27.75% 63 |
2.20% 5 |
0.44% 1 |
Bình luận chính sách trên báo |
39.65% 90 |
18.94% 43 |
39.21% 89 |
2.20% 5 |
Bình luận chính sách trên mạng xã hội |
48.46% 110 |
43.17% 96 |
7.93% 18 |
0.44% 1 |
Vận động chính sách |
72.69% 165 |
14.54% 33 |
10.57% 24 |
2.20% 5 |
Tham gia phong trào xã hội |
21.15% 48 |
57.71% 131 |
12.33% 28 |
8.81% 20 |
Bảng 2: Mức độ tham gia của nhà báo Việt Nam vào những hoạt động can thiệp tới thực tiễn
Kết quả khảo sát cho thấy một vài kết luận sau:
Một là, 96,89% nhà báo Việt Nam có Facebook
Trả lời cho câu hỏi bạn có Facebook không, có tới 96,89% số nhà báo cho biết họ có tài khoản Facebook. Đây là khảo sát định lượng đầu tiên cho thấy gần như hầu hết người làm báo đang sử hữu tài khoản Facebook.
Hai là, nhà báo mới vào nghề dùng Facebook nhiều hơn
100% những người có kinh nghiệm làm báo dưới 5 năm đều đang sở hữu tài khoản Facebook. Có 3,11% nhà báo không có Facebook. Họ cho biết số năm kinh nghiệm làm báo là trên 10 năm. Như vậy có thể kết luận những người mới làm báo có xu hướng dùng Facebook nhiều hơn những người đã làm báo lâu năm.
Ba là, hơn 70% nhà báo Việt Nam làm từ thiện trên mạng
Có 71,81% số nhà báo cho biết họ tham gia các hoạt động từ thiện trên mạng như quyên góp, tổ chức quyên góp, kệu gọi, vận động tài trợ. Trong đó, gần một nửa số nhà báo (48,02%) tham gia với tư cách cá nhân công dân, 14,54% tham gia trong vai trò nhà báo, và 9,25% tham gia trong vai trò khác.
Như vậy, do đặc thù nghề nghiệp dễ phát hiện và tiếp cận những hoàn cảnh khó khăn, nhà báo không chỉ dừng lại ở vai trò phản ánh mà còn can thiệp vào những hoàn cảnh này. Đây có thể coi là vai trò bất đắc dĩ mà những người theo nghiệp báo đảm trách thêm một cách tự nhiên trong khi tác nghiệp báo chí.
Bốn là, thận trọng với Vote, Petition và FanPage
Bình chọn qua mạng (Vote), ký tên vào các bản kiến nghị (Petition) hay tham gia các nhóm người hâm mộ hoặc phản đối (FanPage, Anti-FanPage) đều có kết quả phụ thuộc vào số lượng người tham gia. Sự tham gia chủ quan của nhà báo góp phần can thiệp vào kết quả cuối cùng.
Chính vì thế, trong vai trò nhà báo, rất ít người tham gia những hoạt động này. Cụ thể là chỉ có 8,37% số nhà báo bình chọn trên mạng và 2,2% ký tên vào các bản kiến nghị hay tham gia FanPage trong vai trò là nhà báo. Nhưng có tới hơn 68% bình chọn, và hơn 20% ký tên vào kiến nghị và tham gia FanPage với tư cách công dân.
Trong môi trường mạng xã hội, ai cũng có thể biết nhà báo bình chọn gì và tham gia Page nào, và điều đó có thể tác động đến quyết định của những người khác hoặc gây nhầm lẫn rằng nhà báo đang phản ánh quan điểm của cơ quan báo chí nơi họ đang làm việc.
Năm là, bình luận chính sách
Trong hoạt động bình luận chính sách trên báo chí, số nhà báo tham gia bình luận ngang bằng với số nhà báo không tham gia bình luận (39,21% so với 39,65%). Con số này cũng phản ánh hai luồng quan điểm làm báo đang giằng co hiện nay. Một là, nhà báo chỉ nên đứng ngoài quan sát và phản ánh khách quan các hoạt động thực tiễn. Hai là, nhà báo dùng chính cơ quan báo chí của mình làm công cụ để can thiệp giải quyết những vấn đề của thực tiễn.
Tuy nhiên, khác với báo chí chính thống khi quan điểm của nhà báo phản ánh quan điểm thống nhất của ban biên tập, mạng xã hội lại là nơi nhiều nhà báo lựa chọn để bình luận những vấn đề chính sách theo ý kiến chủ quan. Có tới 43% người dùng mạng xã hội để bình luận chính sách trong vai trò công dân. Cần những bộ quy tắc phát ngôn trên mạng dành cho nhà báo để tránh phơi bày những xung đột về quan điểm giữa cá nhân nhà báo và cơ quan báo chí lên môi trường mạng xã hội.
Sáu là, 27% nhà báo vận động chính sách
Có hơn 10% số người trả lời cho biết họ trực tiếp tham gia vận động chính sách trong vai trò nhà báo, hơn 14% trong vai trò công dân và hơn 2% trong các vai trò khác. Quan sát thấy những người bình luận chính sách có xu hướng tham gia vận động chính sách nhiều hơn những người không bình luận chính sách.
Bảy là, 80% nhà báo trực tiếp tham gia phong trào xã hội
Có tới 80% số nhà báo trực tiếp tham gia các phong trào xã hội, trong đó 57,71% tham gia trong vai trò công dân, 13,33% tham gia trong vai trò nhà báo và 8,81% tham gia trong các vai trò khác. Tuy nhiên, có nhiều cách hiểu khác nhau về phong trào xã hội. Một mặt, đó là những phong trào đấu tranh xã hội trong đó người tham gia tự do biểu đạt quan điểm và hành động để thay đổi tức thời các quy định và chính sách (activism).
Nhưng mặt khác, rất nhiều phong trào ra quân, xuống đường không có tính chất đấu tranh thay đổi quy định hay chính sách như các phong trào xã hội ở phương Tây. Thay vào đó, phong trào ở Việt Nam thường nhằm tới người dân với mục tiêu thay đổi nhận thức, thói quen, cách hành xử trong cuộc sống.
Kết luận
Nói tóm lại, đây là nghiên cứu định lượng ban đầu về số nhà báo dùng Facebook và mức độ nhà báo tham gia các hoạt động mang tính chất phong trào xã hội trên mạng lẫn ngoài đời thực ở Việt Nam.
Nghiên cứu này có thể được tiến hành định kỳ hằng năm để so sánh xu hướng nhà báo dùng mạng xã hội và tham gia phong trào xã hội. Khi có nhiều nhà báo tham gia khảo sát hơn qua từng năm, có thể quan sát được mối tương quan giữa việc dùng mạng xã hội và việc can thiệp vào xã hội trong báo giới Việt Nam.
Theo quan điểm cá nhân tôi, nhà báo cần giữ lập trường khách quan bằng cách giữ khoảng cách, không can thiệp trực tiếp vào sự kiện, đối tượng họ phản ánh. Nhà báo chỉ nên đồng thời kiêm thêm vai trò nhà đấu tranh xã hội (activists) trong trường hợp liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp báo chí, như bảo vệ đồng nghiệp hoặc đòi hỏi sự minh bạch thông tin để tìm ra sự thực phục vụ công chúng./.
ThS. Mạch Lê Thu
(Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
