
Hai lần gặp Trịnh Công Sơn
-
Một chiều cuối năm 1978, tôi trở lại Huế. Muốn viết một bài, thành phố cố đô Huế sau ba năm giải phóng đã có những đổi thay nào. Huế cùng dải đất nghèo miền Trung từng nổi tiếng lừng lẫy qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đặc biệt trong Tết Mậu Thân 1968. Hãng thông tấn Pháp AFP khẳng định “Huế là thành phố đại học đầy uy thế của miền Trung”, trong khi báo Granma, Cuba quả quyết “Huế đã đi vào lịch sử cùng với các thành phố anh hùng trên thế giới”.
Cầu Tràng Tiền - Huế
Sau ba năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Huế vẫn đẹp, có những mặt còn đẹp hơn trước nhưng Huế nghèo thì vẫn nghèo, thậm chí có mặt còn nghèo hơn. Tất cả những những mảnh đất trống trong vườn, trước ngõ đều được các gia đình trồng rau, củ để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Mở đầu bài bút ký Nét Huế đăng báo Nhân Dân số ra đầu năm 1979, tôi viết: “Người ta bảo con đường đẹp nhất bao giờ cũng là đường trong ký ức. Những con đường ven bờ sông Hương tôi rảo bước hôm nay khác xa những gì tôi hằng nghĩ hằng nhớ về Huế. Không những các lối đi ấy đẹp hơn, sạch hơn trước mà còn in rõ dấu những bàn tay chăm chút của con người. Lòng đường không bụi, vỉa hè đường vừa được lát lại bằng những phiến đá xanh đen vuông vức.
Nắng chiều từ mặt nước sông Hương hắt lên đùa dỡn với cành lá nhẹ đu đưa trên ngọn hàng cây cổ thụ ven bờ. Đằng sau vẻ đẹp ây còn ẩn hiện một cái gì đó mới lắm, đẹp lắm so với những gì tôi từng biết về thành phố này”.
Dạo ấy Huế cũng như các nước ta đang lâm vào suy thoái kinh tế-xã hội sau chiến tranh. Cơ sở hạ tằng vốn kém, nay càng ít việc làm, đời sống của những công nhân, người lao động thiếu việc được chính quyền hết sức giúp đỡ, thực chất là một sự bao cấp qua tem phiếu với số lượng còm và chất lượng ngày càng sút.
Huế trong chiến tranh vốn không đông lắm cư dân mà đã có hàng vạn người sống dựa vào chiến tranh, nay đều thiếu vốn để kiếm sống hoặc ngồi không bởi khá đông người trước bỏ ruộng đồng về Huế bám vào đồng lương của chồng là công chức, sĩ quan quân đội Sài Gòn. Tôi xin phép thành phố cho tổ chức một cuộc gặp mấy nhà trí thức nổi tiếng để giao lưu về thực trạng cuộc sống mới tại Huế sau ba năm giải phóng qua cái nhìn của những người trong cuộc.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
- Là chứng nhân của hai chế độ, anh thấy hơn ba năm qua tính từ ngày giải phóng Huế được gì mất gì? – Tôi hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ông đáp chậm rãi, dường như có chút trầm ngâm:
- Tôi hằng nghĩ tới nhà điêu khắc Pháp Rodin. Cách mạng như nhà tạc tượng đẽo những khối đá lớn, loại bớt những mảng dư thừa, những chất thô để làm thành bức tượng đẹp hoành tráng lưu lại cho đời. Muốn thấy rõ sự đổi thay của Huế ta cần phải có thêm thời gian, nếu muốn thấy ngay trước mắt thì phải đi sâu tìm hiểu từng gia đình, từng ngõ phố mới tỏ được ít nhiều, bởi cái mới chưa kịp hiển lộ thành biểu tượng bắt mắt, mà đôi khi còn bị những khó khăn tạm thời che khuất. Thế nhưng qua đôi mắt tôi, cái mới đã bắt rễ sâu rồi đấy.
- Cụ thể trong lĩnh vực nghệ thuật của anh?
- Là tổ chức. Tỉnh Bình Trị Thiên vừa thành lập Hội Văn nghệ. Đúng là đất Huế có lắm nhân tài nhưng thời trước, muốn sống được, chưa nói muốn thật nổi tiếng trong cả nước, người nghệ sĩ không thể sống và làm việc ở đây bởi công chúng thưởng thức văn học nghệ thuật dù tinh tế vẫn không hội đủ số đông cần thiết. Thành thử Huế có thể tạm thời có những nhóm anh em tâm đắc với nhau nhưng chưa bao giờ có được một tổ chức nghề nghiệp của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba là người rất tâm huyết với nền quốc nhạc, anh từ đứng ra sáng lập Tỳ Bà Viện hoạt động một thời gian nhưng rồi gặp lắm khó phải vào Sài Gòn lập nghiệp. Lý do đơn giản: Văn nghệ sĩ không thể sống nổi nơi đây bằng nghề nghiệp mình đam mê. Một thí dụ cụ thể nữa: Chưa bao giờ Huế có được một trường âm nhạc đông học sinh và bề thế như hiện nay.
Họa sĩ Bửu Chỉ tiếp lời bạn:
- Cái mới là người người hôm nay đều ý thức được trách nhiệm của mình cùng nhau xây dựng cuộc sống mới... [1]
***
Lần thứ hai tôi “gặp” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tại thành phố Marrakech cố đô của Vương quốc Maroc từ thế kỷ 11.
...Tiếng nhạc vang nhè nhẹ nhẹ trong làn gió chiều nhưng giai điệu quá quen giúp tôi nhanh chóng nhận rõ lời ca:
Tôi ru em ngủ
Một sớm mùa thu
Em đi trong sương mù…
- Đúng là bài hát Việt Nam ta! - Anh bạn cùng đi mừng rỡ.
- Thì anh hãy nhìn xem, nét chữ ơ kia trên tấm biển hiệu Kim Sơn kia, còn lẫn với ngôn ngữ nước nào. - Một người khác nói.
Marrakech – “Sân trong” của một tòa lâu đài
Đến Marrakech dự một cuộc họp quốc tế mới một tuần mà chúng tôi ai nấy đã cảm thấy thèm cơm. Công việc xong xuôi, tại sao không cho phép chúng mình tự đãi đằng nhau một bữa ăn châu Á? Marrakech nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế và là một thành phố du lịch nổi tiếng, ở đây thiếu chi khách sạn, nhà hang đủ loại. Lật cuốn sách hướng dẫn du lịch ra tra cứu, thấy quả nhiên ngoài những nhà hàng đặc sản truyền thống của Maroc và người A rập, có liệt kê cả một loạt restaurant, pub, bistrot Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…, cùng rất nhiều quầy thức ăn nhanh kiểu Mỹ. Ở mục Các nhà hàng ẩm thực Châu Á chỉ có hai biển hiệu. Một là Con rồng vàng tại đại lộ Zertoumi và hai là Kim son phố Toumert. Con rồng vàng, nhất định là hiệu ăn Tàu rồi. Còn Kim Son (với chữ o không có dấu), có đúng nhà hàng Việt Nam chăng?
Chúng tôi vẫy một chiếc taxi. Anh lái xe nói: “A, Kim Son, Nhà hàng châu Á. Tôi biết rõ địa chỉ. Chẳng xa nơi đây lắm đâu.
Marrakech - Khách du lịch xếp hàng chờ vào bên trong thành cổ (Ảnh Phan Quang)
Đó là một ngôi nhà nhỏ, kiến trúc kiểu biệt thự, kín đáo nép sau mấy rặng cây và một lối đi hẹp giữa hai hàng dâm bụt dẫn từ cổng vào sân. Trời đã tối sập, ánh đèn trong nhà mờ mờ ảo ảo, nhưng may mắn là có một ngọn sáng chói ở cổng chiếu rõ hai chữ Kim Sơn, với một chữ "ơ" đầy đủ dấu móc có lẽ chỉ có trong văn tự nước Việt Nam ta thôi. Bên cạnh mấy dòng loằng ngoằng chữ A-rập, còn ghi chú bằng tiếng Pháp Spécialités vietnamiennes. Các món đặc sản Việt Nam. Vậy là yên tâm, chẳng còn sợ lẫn với ai. Hơn nữa, tiếng hát da diết nhớ thương cứ dịu dàng vọng lại từ bên trong nhà hàng:
Con đường thật buồn
Một ngày cuối đông
Con đường mịt mù
Một chiều cuối thu…
Đập vào mắt chúng tôi là bốn bức tranh sơn mài khảm xà cừ cân đối treo dọc theo kiểu tứ bình trong phòng ăn rộng và có lẽ duy nhất nơi đâu, có cầu Thê Húc, có chùa Thiên Mụ, có cảnh con sông lấp lánh nước với chuyến đò ngang, có hình cổng chợ Bến Thành… Hiệu ăn vắng vẻ vì lúc này còn hơi sớm để dùng bữa tối, theo tập quán sinh hoạt địa phương quen với lối ẩm thực các nước châu Âu. Hơn thế, mọi hoạt động vui chơi ở Marốc thường hướng về đêm là chính, nhằm né tránh cái nắng gay gắt ban ngày. Thấy mới có một đôi nam nữ ngồi ở bàn kín đáo trong góc, và lát sau, mấy người bạn là đại biểu nước Thái Lan cũng sang đây dự hội nghị bước vào, chắc họ cũng đang đi tìm hương vị Á Đông như chúng tôi.
Bảng thực đơn có đủ các món cổ truyền nem rán, xúp cua, phở bò, (tiếng Tây ghi là “món mì dẹt châu Á” - nouilles asiatiques)… Bữa ăn tối của chúng tôi hôm nay vậy là đạt quá mong ước. Có món thịt lợn xào măng, món thịt bò nấu với hành và mộc nhĩ, có cả nước mắm dầm ớt tỏi, và dĩ nhiên không thể thiếu chai nước tương (xì dầu) đặt sẵn trên bàn… Cơm nấu bằng loại gạo jasmin của Thái Lan thơm lựng.
- Chúng tôi muốn gặp bà chủ nhà hàng.
Ngà ngà men rượu nho đặc sản ven bờ Địa Trung Hải, tôi nói với người phục vụ bàn. Tôi nói muốn gặp bà chủ, vì tôi tin chắc chắn không thể thiếu bàn tay bà nội trợ Việt Nam ở nhà hàng này thì mới có thể tạo nên những món ăn dân tộc đậm đà như thế kia.
Anh ta thoáng vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn lịch sự nghiêng đầu rồi lẳng lặng bước vào nhà trong. Lát sau, một người đàn ông Marốc đứng tuổi xuất hiện, thái độ rất nhã nhặn:
- Xin chào! Các ngài từ Việt Nam sang? Các ngài cần gì? Vâng, tôi là chủ nhà hàng này. Vợ tôi là người Việt Nam.
Chúng tôi bắt tay chúc mừng, cảm ơn ông về bữa ăn ngon.
- Công việc làm ăn ở đây tốt chứ? - Tôi hỏi.
Ông lắc đầu: “Tôi đang muốn dẹp hết mọi thứ để sang Việt Nam”.
Mọi người bàng hoàng nghe ông buồn rầu nói tiếp:
- Nhà tôi đã qua đời.
Ông quay vào nhà trong mang ra cho chúng tôi xem một tấm ảnh ông chụp cùng một phụ nữ Việt Nam rất trẻ và khá xinh:
- Chúng tôi quen nhau hồi học ở Paris, kết hôn ở bên ấy rồi về thành phố này là quê tôi lập nghiệp. Không may nhà tôi bị bệnh, qua đời cách đây chưa lâu.
Giọng ông buồn lắm. Ái ngại, chúng tôi không tiện hỏi thêm. Ông tiếp tục dốc bầu tâm sự:
- May là chúng tôi kịp có với nhau một đứa con trai. Cháu năm nay học lớp 10.
Ông gọi cháu ra chào mấy vị khách đến từ quê ngoại cậu. Một chàng trai đang độ phát triển chiều cao, người gầy ngoẵng, da ngăm ngăm đen nhưng nét mặt vẫn có cái gì đó phảng phất người châu Á.
- Cháu có ý định về Việt Nam? – Anh bạn tôi hỏi.
- Thế nào cháu cũng về. Mẹ cháu kể cho cháu nghe bao nhiêu huyền thoại về thành phố Huế quê hương mẹ. Nhưng chưa thể đi vào lúc này. Cháu còn phải đi học.
Làm nền cho câu chuyện giữa chúng tôi trong đêm yên tĩnh vẫn là nhạc Trịnh:
Mưa vẫn mưa mau trên tầng tháp cổ...
...Ngày mai sõi đá cũng cần có nhau…
***
Chợt nhớ những ngày này tại nước ta những người đam mê nhạc Trịnh và bạn hữu thân thiết của ông đang chuẩn bị mấy buổi diễn kỷ niệm một năm ngày nhà viết ca khúc tài hoa qua đời. Ngay trong đêm, vẫn còn ngà ngà hương vị đặc sản quê hương, tôi viết vội bài báo ngắn nhờ cô lễ tân khách sạn gửi về một tờ báo thân quen tại thành phố Hồ Chí Minh để kịp in vào số báo ra nhân kỷ niệm một năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giã từ cõi thế: 1/4/2001.
2022
Phan Quang
[1] Bài viết khá dài, in lại trong Tuyển tập Phan Quang, Nxb. Văn học 1989, Tập III, tr. 301-306, có biên tập một ít ngôn từ.

Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng

Người phóng viên dũng cảm, nhanh nhạy của Thông tấn xã giải phóng

Một số kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Mai Chí Thọ với công tác báo chí, tuyên truyền

Kẻ sát hại Che Guevara 54 năm trước qua đời

Hai lần gặp Trịnh Công Sơn
