Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin về nông nghiệp trên báo chí

22/04/2020, 23:29

Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin về nông nghiệp trên báo chí - Nâng cao chất lượng thông tin báo chí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong tình hình hiện nay vừa là đòi hỏi của thực tiễn, vừa là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan báo chí và người làm báo.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới

Việt Nam - từ một nước nông nghiệp lạc hậu, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, đến nay không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn là một trong những nước xuất khẩu nông - lâm -thủy sản lớn trên thế giới. Ngành nông nghiệp đang chứng tỏ vai trò là trụ đỡ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong thông tin phản biện để hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông thôn (xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp...) sát với thực tiễn. Những thông tin được báo chí chuyển tải sẽ tác động, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của xã hội trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện về cơ chế chính sách, tạo động lực phát triển nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.

Bài viết này đề cập vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng thông tin về nông nghiệp trên các báo chuyên về báo chí trong tình hình hiện nay:

Nội dung thông tin lĩnh vực nông nghiệp

Tính mới của nội dung chính là yếu tố quan trọng để có thể tạo nên sự khác biệt, độc đáo so với những tờ báo trên thị trường báo chí hiện nay. Nếu một tờ báo không có gì độc đáo khiến bạn đọc quan tâm sẽ làm giảm thương hiệu của tờ báo. Do đó, mỗi tờ báo nên cần tìm hướng đi mang bản sắc riêng, đưa giải pháp “tạo cái riêng“, bởi vì trong bối cảnh hiện nay, một sự kiện xảy ra rất nhiều báo cùng vào cuộc, chính vì thế đòi hỏi cần có cách tiếp cận thông tin khác như khai thác sâu hơn, nhìn từ khía cạnh khác hơn, lôi cuốn, hấp dẫn hơn... để từ đó tạo sự khác biệt, nổi trội hơn thông tin của các báo khác, từ đó mới tạo được sự quan tâm nhiều của bạn đọc và giữ được vị trí nhất định trên thị trường báo chí.

Qua nghiên cứu cũng cho thấy, bạn đọc đánh giá cao chất lượng nội dung vì nội dung luôn gần gũi với cuộc sống. Điều này cần phát huy hơn nữa trong thời gian sắp tới. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa những nội dung về dân trí, dân sinh, văn hóa, đời sống, tinh thần, đặc biệt với đối tượng là nông dân. Các báo nên tập trung bổ sung các tin bài với nội dung về nông nghiệp Việt Nam để từ đó, công chúng có thể có thêm thông tin và hiểu rõ hơn về sự thay đổi, phát triển của ngành nông nghiệp. Có thể cập nhật thêm những nội dung khoa học có thể áp dụng trong nông nghiệp, những phát minh khoa học của trong và ngoài nước.

Hiện nay đang có xu hướng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam

Hình thức thể hiện nội dung về nông nghiệp

Vì diện tích dành cho các chuyên trang là có hạn, chính vì vậy, ngoài đổi mới về nội dung, đổi mới về đề tài, các báo cần cân nhắc xem xét để tăng lượng thông tin. Có nghĩa là cần tăng số lượng bài viết trong mỗi chuyên trang, giảm bớt số từ trong bài viết nhưng bài viết cần cô đọng, súc tích hơn để có thể truyền tải đầy đủ nội dung mà vẫn đạt được mục đích truyền thông.

Không dừng lại ở dạng tin thời sự, bài phản ánh, hay phóng sự, những dạng bài phỏng vấn, dự báo, cảnh báo, phân tích sâu hay những dạng đồ hình, đồ họa cần được bổ sung. Hơn thế nữa, với mỗi bài viết, cần có thêm hộp thông tin, hình ảnh minh họa có chất lượng để nội dung bài viết có được lượng thông tin nền, cách nhìn đa chiều mà hấp dẫn độc giả.

Việc lựa chọn thể loại báo chí phù hợp sẽ đi cùng với việc lựa chọn ngôn ngữ truyền tải của thể loại đấy. Vấn đề nào làm tin, vấn đề nào làm phóng sự hay phỏng vấn cũng cần được nhà báo cân nhắc kỹ lưỡng. Nhà báo phải lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, tránh sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, nặng tính triết lý và xa rời thực tiễn. Nhất thiết, ngôn ngữ sử dụng thông tin phải thật giản dị, gần gũi. ngôn ngữ báo chí khi sử dụng phải dễ hiểu, hình ảnh phải chân thật, mang tính thời sự, không sử dụng ảnh dàn cảnh. Vì báo in chỉ có 2 màu đen trắng nên chất lượng ảnh phải tốt để công chúng có thể hiểu và cảm nhận được ý đồ của tác giả.

Tổ chức thông tin

Đổi mới công tác chỉ đạo thông tin: Ban biên tập cần có cái nhìn bao quát về tình hình thông tin, các chiến lược phát triển chất lượng và số lượng thông tin. Trên cơ sở các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm, đề ra các chiến dịch thông tin hợp lý và chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, các phóng viên và biên tập viên kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt công tác chỉ đạo thông tin về nông nghiệp nói riêng cần chỉ đạo thống nhất để kịp thời định hướng dư luận.

Tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế định mức cho phóng viên, biên tập viên ở tòa soạn và cơ quan thường trú. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế khen thưởng, kỉ luật minh bạch, hiệu quả nhằm khuyến khích các phóng viên, biên tập viên làm việc hiệu quả hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng nội bộ, mạng Internet để thông tin đảm bảo thông suốt giữa phóng viên và tòa soạn.

Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong cùng tòa soạn để giảm bớt khâu trung gian trong chỉ đạo thông tin, có sự phân vai cụ thể, đúng người đúng việc nhằm phát huy tối đa nguồn lực, vật lực trong tổ chức thông tin.

Với những thông tin quan trọng (sự kiện lớn, thời sự, đột xuất…) thì việc trao đổi, bàn bạc cụ thể và thống nhất giữa tòa soạn và và văn phòng đại diện trước khi xuống địa bàn, viết tin bài là rất cần thiết. Làm được điều này sẽ khiến các văn phòng đại diện thông tin đúng định hướng, yêu cầu, thông tin nhanh, văn phòng đại diện sẽ chủ động hơn trong việc tổ chức thông tin và tòa soạn cũng chủ động được đầu ra của sản phẩm., không mất nhiều thời gian và công sức biên tập tin bài.

Phóng viên và biên tập viên là mối quan hệ đặc biệt trong quá trình thực hiện tổ chức thông tin. Mối quan hệ này cũng như sự phối hộp giữa hai bên sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến thành công của cả quy trình, liên quan đến các khâu khác trong toàn bộ quy trình. Phóng viên là người phát hiện chủ đề, tìm tòi cái mới, kĩ năng thể hiện thông tin, nên việc nâng cao hiệu quả quy trình và chất lượng thông tin phải bắt đầu từ khâu thu thập thông tin, viết tin bài của phóng viên và đây là khâu quan trọng nhất. Nhưng để có sản phẩm hoàn hảo thì phải có sự gia công từ khâu biên tập, hiệu đính của biên tập viên.

Như vậy, giữa hai khâu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện của cả hai. Đó là hai “mắt xích” đi liền nhau nên sự phối hợp cần phải ăn ý, cụ thể là giữa phóng viên và biên tập viên thường xuyên phản hồi, trao đổi thông tin, tìm ra những vướng mắc về nội dung thông tin. Từ đó, rút ra những bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hợp lý, sao cho phù hợp với nội dung, yêu cầu thông tin, tạo ra sản phẩm thông tin nhất quán, đạt chất lượng và hiệu quả

Ứng dụng công nghệ để tạo ra những giống lúa tốt có chất lượng

Công tác phát hành

Việc đẩy mạnh công tác phát hành cũng là một yếu tố góp phần tăng sản lượng báo in hiện nay. Với sự bùng nổ của Internet thì báo điện tử nhanh và tiện lợi nhưng có những phân khúc thị trường mà báo mạng điện tử khó lòng vươn tới, hoặc muốn vươn tới thì còn cần thêm một thời gian nữa. Trước hết là những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, những vùng mà muốn đạt được trình độ sử dụng công nghệ để lướt mạng đọc tin vẫn cần thời gian dài. Đặc biệt là với Việt Nam, thị trường nông thôn chiếm gần 80% dân số là một vùng rộng lớn cho báo in khai thác.

Bên cạnh đó, tại các môi trường lao động ngoài văn phòng, lao động trong nhà máy, các ngành phục vụ, những người hay di chuyển..., thì lựa chọn thông tin số một vẫn là báo in. Do đó để tăng thêm số lượng phát hành thì cần có những chủ trương như đưa báo đến những vùng sâu vùng xa, mở thêm một số điểm in báo để báo được đến tay bạn đọc sớm hơn, phát triển việc đặt báo giao tại nhà để gia tăng số lượng bạn đọc trung thành của báo

Marketing và thu hút công chúng

Công chúng báo chí là quần thể dân cư hay nhóm đối tượng mà báo chí hướng tác động của mình vào để cung cấp, trao đổi và chia sẻ thông tin, thuyết phục gây ảnh hưởng để có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của họ theo mục đích thông tin nhất định.

Công chúng báo chí là quần thể dân cư hay nhóm đối tượng mà báo chí hướng tác động của mình vào để cung cấp, trao đổi và chia sẻ thông tin, thuyết phục gây ảnh hưởng để có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của họ theo mục đích thông tin nhất định. Về khía cạnh kinh tế, công chúng báo chí là khách hàng của cơ quan báo chí; trên khía cạnh xã hội, là lực lượng quan trọng, quyết định vai trò, vị thế xã hội của cơ quan báo chí.

Trên cơ sở đó, các tờ báo nông nghiệp, nông thôn muốn nâng cao được chất lượng truyền thông, đặc biệt là truyền thông về nông nghiệp - một vấn đề tưởng chừng như rất dễ nhưng để đối tượng là nông dân dễ tiếp cận thì là một ciệc cần nhiều tâm huyết, vì vậy cần phải thông tin thường xuyên để công chúng hiểu rõ, từ đó họ mới xác định được vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

Cần thường xuyên thăm dò (thông qua các đợt khảo sát, điều tra xã hội học) nhằm đánh giá thái độ của công chúng với những sản phẩm của cơ quan báo chí. Đây là một công việc hết sức quan trọng và cần được tiến hành một cách khoa học, định kỳ, có sự đối chiếu so sánh qua mỗi giai đoạn, đặc biệt sau mỗi sự thay đổi, cải tiến của cơ quan báo chí, từ đó có sự điều chỉnh một cách phù hợp và hiệu quả.

Lễ tôn vinh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, năm 2017

Quảng bá thương hiệu

Thương hiệu là một tài sản vô hình đặc biệt của doanh nghiệp, nó ảnh hưởng rất lớn đến quyết định lựa chọn của người tiêu dùng. Do đó để có thể thu hút thêm bạn đọc tiềm năng và duy trì lợi thế cạnh tranh so với những báo khác thì cần đầu tư cho việc chăm chút thương hiệu mà mình đang có bằng các chương trình quảng bá thương hiệu nhằm tăng cường sự ảnh hưởng xã hội. Bởi vì ảnh hưởng xã hội chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng đọc báo của đối tượng công chúng là nông dân.

Sự phát triển của các mạng xã hội hiện nay rất mạnh mẽ và phần lớn cư dân mạng có mặt thường xuyên trên các trang mạng xã hội như youtube, facebook, twitter... vì vậy các báo nên xuất hiện trên các trang mạng đó, vừa dưới góc độ là một thành viên của mạng xã hội, vừa dưới góc độ là một sản phẩm quảng cáo. Như vậy những tin tức của  đến được với bạn đọc sẽ nhanh hơn, góp phần quảng bá thương hiệu các báo này hiệu quả hơn.  Bên cạnh đó, tòa soạn có thể tận dụng các ấn phẩm của mình để tự quảng bá thương hiệu. Ví dụ báo điện tử sẽ quảng cáo một số tin bài của báo in sẽ phát hành hôm sau hoặc trong thời gian tới để công chúng tìm đọc.

Tương tác với bạn đọc

Trong thời đại ngày nay, báo chí phải đi theo xu hướng người dùng tạo nội dung chứ không thể thuần túy dựa vào đội ngũ biên tập viên, phóng viên và thông tin không đòi hỏi thật quy chuẩn, chỉ là những dòng tin mang tính thông báo và được thẩm định chính xác. Do đó cần tăng cường sự tương tác với bạn đọc, qua đó bạn đọc phải trở thành chủ thể xuất hiện nhiều hơn, nhằm cải tiến tin tức, làm đa dạng hơn nội dung trên mặt báo và hấp dẫn bạn đọc bằng cách tiếp cận mới với độc giả.

Những độc giả hiện đại không chỉ là người tiếp nhận tin tức một cách thụ động, mà họ phân tích bình luận giống như những nhà báo thực thụ, vì thế người làm báo không thể “áp đặt” ý kiến của mình qua các bài viết nữa. Tạo ra và phát triển các cuộc đối thoại bình đẳng với độc giả, và gây dựng nơi độc giả niềm tin vào sự khách quan, hoặc sự chủ quan không giấu diếm của mình.

Suy cho cùng, hiệu quả báo chí phụ thuộc vào chất lượng thông tin báo chí. Muốn nâng cao hiệu quả báo chí phải tăng cường sự hợp tác giữa các bộ phận, các yếu tố nội dung và hình thức của tác phẩm báo chí. Hiệu quả báo chí còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của việc truyền thông tin, cách thể hiện thông tin. Cho nên, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung, tăng cường hàm lượng thông tin, việc lựa chọn những phương thức chuyển tải phù hợp và hình thức biểu hiện thông tin một cách sinh động, gây được những xúc cảm tốt cũng là yêu cầu cần thiết đối với báo chí, làm cho báo chí phát huy tác dụng thực sự trong việc hướng dẫn dư luận và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.

Tạ Phương Liên