
Fake News và câu chuyện truyền thông chính trị ở Mỹ
-
Mỹ là một trong những quốc gia trên thế giới được công nhận có các phương tiện
truyền thông rất phát triển. Giống như ở các nước Phương Tây khác, truyền thông ở Mỹ được gắn với những cụm từ như “độc lập” và “quyền lực thứ tư”.
Truyền thông Mỹ thiên về thái cực hóa, tách bạch giữa tả và hữu, giữa cấp tiến và bảo thủ. Ảnh: TL
Tính độc lập cao
Quyền lực thứ tư thể hiện vai trò và ảnh hưởng - như lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhờ tính “độc lập” và được coi như “quyền lực thứ tư” mà truyền thông có thể giám sát hoạt động của các cơ quan quyền lực.
Truyền thông tuy được tiếng là độc lập và quyền lực thứ tư, nhưng cũng lại chỉ trong khuôn khổ phạm vi pháp luật do các cơ quan quyền lực kia định ra. Thay đổi về chính trị luôn ẩn chứa khả năng thay đổi khuôn khổ pháp luật này đối với truyền thông. Truyền thông buộc phải luôn để ý đến điểm dừng trong cuộc chơi với cơ quan quyền lực.
Vì thế ở nước Mỹ từ xa xưa tới nay, mối quan hệ giữa truyền thông và cơ quan quyền lực luôn là kiềm chế lẫn nhau và hợp tác với nhau, giữa đối phó lẫn nhau và tranh thủ nhau. Nước Mỹ là xứ sở của thái cực. Truyền thông vì thế cũng thiên về thái cực hóa, tách bạch giữa tả và hữu, giữa cấp tiến và bảo thủ. Truyền thông với chiều hướng quan điểm ôn hòa và trung dung chỉ đóng nổi vai trò nhỏ và có phạm vi ảnh hưởng hạn chế.
Fake News là vũ khí cho cuộc chiến tranh của những hãng truyền thông Mỹ. Ảnh: TL
Sự thay đổi mang tính bước ngoặt
Kể từ khi ông Donald Trump nhảy vào cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt từ khi ông chính thức cầm quyền, mối quan hệ này thay đổi cơ bản. Có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, ông Trump phát động cuộc chiến tranh thực thụ nhằm vào những cơ quan báo chí và truyền thông bị coi là thù địch, bất lợi và nguy hiểm. Ông Trump chủ trương công cụ hóa truyền thông phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình.
Nguyên nhân thứ hai là hiện tượng được thể hiện thu gọn trong khái niệm Fake News (tin giả). Theo cách hiểu và cách tiếp cận truyền thống cho tới nay, không chỉ ở Mỹ mà trên thế giới việc sử dụng và phổ cập Fake News phục vụ cho mục đích riêng là kẻ thù của truyền thông chân chính và hoàn toàn trái ngược với sứ mệnh tồn tại của truyền thông.
Ông Trump không chỉ công cụ hóa Fake News phục vụ cuộc vận động tranh cử tổng thống mà còn dùng Fake News làm vũ khí cho cuộc chiến tranh với những hãng truyền thông không cùng tần số quan điểm và không có lợi cho mình. CNN là đối thủ biểu trưng nhất.
Sau gần một năm rưỡi cầm quyền, ông Trump đã khá thành công trong cuộc chơi với Fake News. Diện cử tri của ông Trump vẫn tin tưởng Tổng thống Mỹ, bất kể người này chơi trò Fake News hay sử dụng True News.
Chủ tịch hãng Fox News Sean Hannity - người bạn rất thân của Tổng thống Trump?! Ảnh: TL
Truyền thông và chính trị
Fox News trở thành hãng truyền thông có quyền uy và ảnh hưởng như chưa hãng truyền thông nào ở Mỹ có được từ trước tới nay. Twitter chứ không phải kênh thông tin chính thức của chính phủ mới là nơi thể hiện kịp thời nhất, chuẩn xác nhất và đáng tin cậy nhất quan điểm chính sách cầm quyền của ông Trump.
Chủ tịch hãng Fox News Sean Hannity trở thành nhà báo quyền uy và ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ khi gần như ngày nào cũng điện đàm với ông Trump. Những gì được Fox News phát đi thì ngay sau đó được xuất hiện và bình luận trên các tweets của ông Trump, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều quyết sách cầm quyền quan trọng của ông Trump.
Không phải những tờ báo lớn dạn dày truyền thống ở Mỹ như New York Times hay Washington Post, không phải các kênh truyền hình danh giá thế giới như CNN hay MSNBC mà những hãng truyền hình nhỏ như Fox News hay các trang thông tin điện tử như Breitbart News Network mới được chính quyền và diện cử tri của ông Trump coi là chính thống.
Một trong những cách chơi khác nữa của ông Trump với truyền thông ở Mỹ là dùng truyền thông để tạo thế thuận lợi nhất cho tiến hay lui đều dễ dàng. Những quyết sách lớn của ông Trump cho tới nay đều không gây bất ngờ bởi đều được truyền thông tung ra từ trước đó. Sa thải giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey hay thay thế Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (FED) Janet Yellen, rút nước Mỹ ra khỏi một số thoả thuận đa phương quốc tế hay áp dụng những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại... tất cả đều được tung ra truyền thông trước và ông Trump quyết định sau.
Trump vừa hoãn cuộc gặp thượng đỉnh với Putin ngay khi hai phe trong Quốc hội Mỹ chỉ trích mạnh mẽ. Ảnh: TL
Ví dụ mới đây nhất là tin về ông Trump có ý định rút nước Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trang tin điện tử Axios đưa trước. Sau đó Nhà Trắng chỉ xác nhận là ông Trump “không đánh giá cao WTO” còn ông Trump quả quyết “Tôi đâu có nói đến việc nước Mỹ ra khỏi WTO”. Ông Trump phát động cuộc xung khắc thương mại với nhiều đồng minh và đối tác, nên rút nước Mỹ ra khỏi WTO vào thời điểm hiện tại chỉ lợi bất cập hại đối với Mỹ.
Ở đây có chuyện truyền thông làm chính trị và truyền thông để bị lợi dụng phục vụ cho chính trị. Nhưng dù có thế nào thì cũng đều phản ánh thực tế là thế giới truyền thông ở Mỹ đã và đang tiếp tục thay đổi rất cơ bản. Truyền thông chân chính bị thách thức quyết liệt.
Tính độc lập và uy quyền bẩm sinh của truyền thông cứ dần bị hủy hoại và mai một. Sự thay đổi này phản ánh và là hệ lụy của sự thay đổi cơ bản trên mọi phương diện ở nước Mỹ từ nhiều năm nay./.
Lũng Nhai

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
