Đừng để mạng xã hội "tẩy não" công chúng!

22/04/2020, 23:29

Đừng để mạng xã hội "tẩy não" công chúng! - Các phương tiện truyền thông ngày nay đang có xu hướng chạy đua gay gắt để giành giật ngôi vị đầu tiên về tốc độ xuất bản tin tức. Với sự ra đời của công nghệ truyền thông hiện đại và Internet, "cuộc đua" này đã đạt đến một mức độ nguy hiểm báo động khiến nhiều người phải giật mình.

Cuốn sách  có tiêu đề "No time to think" của tác giả Rosenberg và Feldman

Minh chứng cho sự thật trên, cuốn sách có tiêu đề “Không còn thời gian để suy nghĩ” của tác giả Rosenberg và Feldman đã lột tả gần như đầy đủ và chân thực về những mặt tiêu cực do mạng xã hội mang lại. Đây là một trong những bình luận hùng hồn, mãnh mẽ và pha lẫn hài hước về sự nguy hiểm của tốc độ truyền thông trong thế giới số - hay còn gọi là “thế giới ảo” ngày nay. 

Mạng xã hội  - nguyên nhân của những sai lầm?

Tốc độ tin tức “khủng khiếp” của các phương tiện truyền thông ngày nay đang gây ra những sai lầm phức tạp. Các sự kiện được đưa tin và tương tác qua lại mà không qua bất kỳ một kiểm duyệt nào đã tạo ra những câu chuyện sai lệch thậm chí còn tạo ra những tin tức giả (fake news) có thể nhanh chóng lan rộng tạo nên dư luận tiêu cực về một vấn đề vốn dĩ tích cực nào đó làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý công chúng. Bất cứ ai đã từng tiếp cận với tin tức trên internet hay mạng xã hội (MXH) đều biết rằng tốc độ "tin tức nóng bỏng" trên MXH có thể được lan truyền nhanh chóng chỉ với một vài thao tác đơn giản. Trong khi đó, những gì báo chí chính thống có thể làm được để những thông tin chính thống và chuẩn xác đến được với công chúng có thể phải kéo dài mất vài ngày hoặc vài tuần thậm chí còn lâu hơn nữa. 

Tin tức giả (fake news) hoành hành mạng xã hội

Fake news đang hoành hành trên MXH

Một nhà báo được phỏng vấn trong cuốn sách “Không còn thời gian để suy nghĩ” của tác giả Rosenberg và Feldman, đã nói rằng các phương tiện truyền thông đang cố gắng theo kịp tốc độ hấp thụ tin tức của công chúng trong khi nhu cầu tin tức của công chúng đang ngày càng gia tăng và chưa bao giờ có dấu hiệu chậm lại đã tạo nên một áp lực ghê gớm đối với các nhà sản xuất tin tức. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ lụy phức tạp khi mà “cung không kịp đáp ứng cầu”. 

Trước thực trạng đó, một câu hỏi đặt ra là liệu các phương tiện truyền thông có đáp ứng được hết nhu cầu thông tin của con người hay không? Hoặc các phương tiện truyền thông chỉ nên thúc đẩy sự thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng?

Rosenberg và Feldman không cố gắng đổ lỗi cho các nhà sản xuất tin tức về những thay đổi trong phương thức truyền tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhưng có vẻ họ đã khéo léo và tinh tế trong việc đổ lỗi cho các nhà sản xuất tin tức về cách thức tổ chức tin tức đã tạo ra một thị trường cạnh tranh “tin nhanh” không lành mạnh khi mà tốc độ đang là thứ chiếm ưu thế thay vì chất lượng tin tức. 

Vậy, hình thức tin tức nhanh nhất có thể là gì? Nếu chúng ta nghĩ rằng 'truyền hình trực tiếp hay “live stream” về một sự kiện nào đó là nhanh nhất thì có vẻ như chúng ta đã nhầm vì có một thứ còn nhanh hơn tin tức trực tiếp đó là tin tức được chuẩn bị từ trước khi sự kiện diễn ra theo một kịch bản được sắp đặt sẵn, và đó chính là những tin tức được hiểu là “fake news” đang ngày càng hoành hành một cách mạnh mẽ trên mạng xã hội. “Fake news” có thể là tin tức giả sai sự thật được tung lên mạng xã hội, tuy nhiên, “fake news” đôi khi cũng là những tin tức thật nhưng được dựa trên một kịch bản có sẵn nhằm tạo ra một sự kiện nào đó và mọi tin tức về sự kiện đó đã được chuẩn bị sẵn từ trước nhằm tung lên mạng xã hội để tạo ra một làn sóng dư luận. Đặc biệt, nếu kịch bản đó được chuẩn bị để tạo ra một dư luận xấu thì nó sẽ nhanh chóng có những tác động tiêu cực đến đời sống tâm lý, xã hội của công chúng.

Cũng chính vì thế mà gần đây trên các diễn đàn truyền thông quốc tế, mạng xã hội đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng gia tăng, khi mà MXH đang vô tình trở thành môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng, thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân túy.

Tại một cuộc thảo luận khác ở Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu do Quỹ Friedrich Naumann tổ chức, các học giả đều cho rằng “những kẻ cực đoan và khủng bố không phải những đối tượng duy nhất sử dụng truyền thông để thay đổi suy nghĩ và thao túng những lời tường thuật. Các chính phủ và những người theo chủ nghĩa dân túy cũng đang dùng các mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số để bẻ cong sự thật và định hình ý kiến dư luận theo ý mình”.

Những ý kiến nêu trên đã lột tả chân thực và sống động về các tác động tiêu cực của MXH đến không chỉ tâm lý, đời sống xã hội mà còn vô tình trở thành công cụ hữu hiệu bị lợi dụng vì ý đồ xấu.

Áp lực đối với các nhà báo

Nhà báo cần thể hiện đạo đức và trách nhiệm khi tham gia MXH

Ở phía bên kia “chiến tuyến” báo chí chính thống cũng đang phải tăng tốc để khỏa lấp những khoảng trống tin tức trên mạng xã hội. Các nhà báo cũng đang được yêu cầu sản xuất tin bài nhanh và nhiều hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển ngày càng phức tạp như hiện nay, các nhà báo, phóng viên cũng cần phải trang bị cho mình những "kỹ năng số" cần thiết nhằm theo kịp xu thế hiện đại để trở thành những “nhà báo đa phương tiện”, đồng thời thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của mình khi tham gia vào môi trường mạng xã hội, bởi không ai khác, chính những nhà báo, phóng viên là những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận xã hội và đừng để vô tình bị biến thành những công cụ hữu hiệu nhằm “nhét chữ vào đầu công chúng” thông qua mạng xã hội.

Thái Bình