Để nghề báo đẹp hơn

22/04/2020, 23:29

Để nghề báo đẹp hơn - Một khuôn hình sống động có được đôi khi phải trả giá bằng mạng sống. Mỗi dòng tin nóng hổi đôi khi phải đánh đổi bằng những nguy hiểm rình rập và mỗi con chữ có khi là những giọt máu được chắt ra từ trái tim mình.

Để nghề báo đẹp hơn, rất cần những nhà báo chân chính

Đó phải chăng là những vinh quang riêng của những người làm báo? Và chính vinh quang ấy vừa là động lực, vừa là khát vọng mà bất cứ nhà báo chân chính nào cũng hướng tới, và quyết thực hiện bằng mọi giá.

PHÓNG VIÊN TRẦN HOÀNG,
BAN THỜI SỰ, BÁO TIỀN PHONG:

Cùng bà con Chương Mỹ khắc phục hậu quả bão lũ

Sự cố vỡ đê Bùi 2 (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vừa qua là một trong số những kỷ niệm làm báo khó quên của tôi. Khi đến Chương Mỹ, tôi bị “choáng” bởi cảnh tượng ngập lụt, đâu đâu cũng thấy nước, nhiều nơi chỉ thấy lóp ngóp vài mái nhà. Cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân Chương Mỹ bị đảo lộn hoàn toàn, đặc biệt những hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề, nhà nào cũng thiệt hại ít nhất 20 triệu đồng.

Có mặt tại đây trong những ngày đầu tiên sau sự cố vỡ đê, tôi không những được tiếp xúc, trao đổi với nhiều bà con thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) mà còn được đóng góp sức giúp cho bà con khắc phục hậu quả mưa lũ. Xắn quần, xắn áo cùng đưa gà vịt, thậm chí cả lợn lên bè để chống nước với tiêu chí người ướt được, nhưng không để gia súc bị ngập. Vất vả nhưng kèm theo đó là những tiếng cười giòn tan, những lời động viên khích lệ cùng những bữa cơm khoai chứa chan tình cảm với những người nông dân địa phương.

Tết Mậu Tuất 2018, riêng tôi mong muốn sẽ được đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để có những kỷ niệm đẹp trong năm mới. Đồng thời mong mỏi ngòi bút cũng như sức khỏe của mình có thể đi đến được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, dù là nhỏ bé nhưng cũng có thể giúp đỡ họ vượt lên số phận.

PHÓNG VIÊN NGUYỄN HUYÊN,
BAN THỜI SỰ, BÁO LAO ĐỘNG:

Tự tạo cơ hội cho chính mình và đi tìm sự khác biệt

Có lẽ, ấn tượng nhất với phóng viên trẻ như tôi là những lần đóng giả đôi vợ chồng để vào một “lò võ” hay phải giả nai tơ ngơ ngác của một thôn nữ lên thành phố tìm việc làm để vào một trung tâm lừa đảo... Mỗi lần đi làm như vậy đều “thót tim”. Thậm chí, có lần bị lộ thân phận phải tìm cách đánh “bài chuồn”.

Thế nhưng, chưa bao giờ nghĩ sẽ “chia tay” với nghề báo dù cũng đã có một vài lời mời về làm công tác nghiên cứu khoa học hay chuyển sang lĩnh vực truyền thông với những hứa hẹn “có cánh”. Có lẽ, tôi sẽ có nhiều cơ hội được trải nghiệm và “dấn thân” hơn nữa vào mảng điều tra chống tham nhũng, lãng phí trong năm 2018.

NHÀ BÁO NGUYỄN QUỐC TRIỀU (HÀ KHÊ),
BÁO PHỤ NỮ VIỆT NAM:

Vui mừng khi công lý được thực thi

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp hay đùa gọi tôi là “nhà báo cướp - giết - hiếp”. Năm 2017, có lẽ tôi khá “thành công” với mảng này, bởi ít nhiều đã góp phần lôi ra ánh sáng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em gây chấn động dư luận. Ấn tượng khó quên trong tôi là lần phỏng vấn anh Hoàng Văn Lương (Vĩnh Phúc), người cha tật nguyền có con gái bị xâm hại tới mang thai. Sự chân chất, thật thà và chu đáo của anh đã thôi thúc tôi nhất định phải làm đến cùng sự việc.

Ngay sáng hôm sau, khi bài báo được đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam, ngay chiều cùng ngày, cơ quan CSĐT Công an thị xã Phúc Yên đã vào cuộc và khởi tố vụ án, kẻ gây ra tội cuối cùng cũng bị trừng trị. Lúc đó, tôi đã mường tượng ra cảnh người đàn ông tật nguyền, đi lại khó khăn đang vui mừng đến phát khóc khi biết tin công lý đã được thực thi

PHÓNG VIÊN TRƯƠNG HƯƠNG DIỄM,
ĐÀI TRUYỀN THANH TRUYỀN HÌNH SƠN ĐỘNG, BẮC GIANG:

Những kỷ niệm đong đầy

Gần 10 năm công tác tại Đài truyền thanh truyền hình huyện Sơn Động, với tôi, những chuyến công tác về các thôn, các xã vùng sâu, vùng xa bao giờ cũng đầy ắp háo hức và thú vị. Tôi còn nhớ một lần, để thực hiện bài phóng sự hình “Tuấn Đạo sau mưa lũ”.

Tôi cùng phóng viên quay hình đi xuống xã Tuấn Đạo để thu thập tư liệu, hình ảnh cho bài viết. Đoạn đường đến thôn Tuấn Sơn xã Tuấn Đạo dài gần 20 km ngổn ngang đất đá, cây đổ. Cứ đi một đoạn đường lại phải chờ máy xúc dẹp đường rồi mới đi tiếp. Đi từ 6 giờ sáng cho đến 1 giờ chiều chúng tôi mới đến nơi. Mắt hoa, bụng đói, chân tay bủn rủn, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành bài viết.

Quay trở về đến đèo Mỏ Trạng, trời cũng nhá nhem tối, trời lất phất mưa; đi qua đỉnh đèo, một khối đá trên đỉnh đèo rơi xuống sượt qua đuôi xe máy làm rách ba lô trên lưng tôi. Đó là một trong số nhiều kỷ niệm minh chứng rằng, nghề báo vốn đã vất vả, việc tác nghiệp vùng sâu, vùng xa lại càng nguy hiểm hơn, nhất là đối với nữ phóng viên. Đổi lại, những nơi tôi đến, tình người và sự yêu thương luôn dào dạt, đong đầy. Với tôi cho dù có là hành trình gian nan, nhưng lúc nào cũng đầy sự hồ hởi và ngọt ngào.

NHÀ BÁO NGỌC ÁNH,
ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI:

Câu chuyện đáng nhớ và cảm động

Một lần đi tác nghiệp tại xã miền núi Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội), tôi có dịp được nghe chia sẻ những khó khăn vất vả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự vùng giáp ranh và các anh có nhắc tới một đồng đội hy sinh trong quá trình đến hòa giải mâu thuẫn của một gia đình ở xã đã lâu mà chưa được công nhận liệt sỹ.

Câu chuyện đó ám ảnh khiến tôi quyết tâm quay trở lại Khánh Thượng để gặp gia đình anh với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh hy sinh của anh. Những giọt nước mắt đau đớn của người thân trong gia đình khi nhắc đến anh, khiến tôi không thể cầm lòng. Tôi quyết định thực hiện phóng sự, với mong muốn góp thêm tiếng nói gửi tới các cơ quan chức năng, mong trường hợp của anh sớm được giải quyết.

Kết quả, sau một thời gian phóng sự phát sóng, gia đình anh đã gọi điện báo tin: “Dịp 27/7 tới, anh sẽ được công nhận Liệt sỹ và gia đình sẽ được đón Bằng Tổ quốc ghi công”. Còn gì xúc động và hạnh phúc hơn khi góp công sức nhỏ bé của mình giúp được một gia đình chiến sĩ công an xã đã hy sinh thân mình vì nhân dân.

SINH VIÊN HÀ NGỌC ANH,
KHOA VIẾT VĂN - BÁO CHÍ, ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI:

Cần sự tin tưởng, ủng hộ và góp ý thẳng thắn

Thực trạng làm báo “chộp giật”, “ăn xổi” hiện nay đang trở thành xu hướng chung của không ít người trẻ, sự tự rèn luyện của bản thân, lòng yêu nghề và đam mê với nghề là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Dù có đam mê, có ước muốn trở thành nhà báo có ích, nhưng nhiều khi lại không nhận được sự ủng hộ từ phía tòa soạn, đồng nghiệp cũng chỉ là “ước mơ để dành”. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ “bỏ nghề” và đầu quân cho các trang báo “lá cải”. Chính vì thế, người trẻ rất cần được tin tưởng, ủng hộ và góp ý thẳng thắn.

Hoàng Lâm, Thùy Dung (thực hiện)