“Dấu Ấn Đỏ” của Khoa Phát thanh - Truyền hình

06/09/2022, 22:19

“Dấu Ấn Đỏ” của Khoa Phát thanh - Truyền hình - Ngày 6/9/2022, Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tổ chức Hội thảo “Dấu ấn đỏ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ cho nền báo chí cách mạng Việt Nam”. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Lễ kỷ niệm 60 thành lập Học viện và cũng là dịp để cán bộ, giảng viên và sinh viên của khoa cùng nhau ôn lại chặng đường 40 năm xây dựng và trưởng thành của Khoa Phát thanh và Truyền hình.

Quang cảnh Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

Từ những ngày đầu gây dựng

Năm 1979, Khoa Phát thanh – Truyền hình chính thức được thành lập, phát triển từ Tổ Phát thanh – Truyền hình thuộc Khoa Báo chí (thành lập năm 1962). Đã 43 năm tính từ khi Khoa Phát thanh – Truyền hình chính thức thành lập nhưng đã là 60 năm Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo chuyên ngành Phát thanh và Truyền hình. Trở lại với dấu mốc năm 1979, lúc đó Khoa có 6 thầy: thầy Phan Thương Diễm, thầy Nguyễn Hải, thầy Vũ Đình Hương, thầy Tạ Ngọc Tấn, thầy Trần Văn Hoàn và thầy Nguyễn Quốc Đạt đã tạo dựng Khoa Phát thanh – Truyền hình, tập trung gây dựng, vun đắp cho các nguồn lực cho Khoa và đến nay.

Khoa Phát thanh – Truyền hình là cơ sở đầu tiên đào tạo đại học chính quy 2 chuyên ngành phát thanh và truyền hình trong cả nước. Và trước sự phát triển của Internet, Khoa mở chuyên ngành báo mạng điện tử từ năm 2003. Với nền móng mà các thầy cô đi trước đã gây dựng, đến nay, Khoa đã khẳng định được vị thế là cơ sở đào tạo hàng đầu các chuyên ngành báo chí này.

Chia sẻ về chặng đường 43 năm của Khoa PT-TH, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: “Những ngày đầu thành lập, với nhiều kỷ niệm không thể nào quên, phải đi “xin” từng trang thiết bị để phục vụ cho việc dạy và học. Đặc biệt kể từ năm 2003, Khoa Phát thanh – Truyền hình nhận quyết định tái thành lập và tính đến nay đã trải qua 20 năm xây dựng và phát triển đã có nhiều nhiều thành tích đáng tự hào. Trong quá trình đó, Khoa đã có nhiều đóng góp sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đặc biệt, lĩnh vực báo chí truyền thông..”.

Còn với cương vị lãnh đạo Khoa PT-TH đương nhiệm, PGS,TS Đinh Thị Thu Hằng, Bí thư chi bộ, Trưởng khoa PT-TH thông tin thêm: “Hiện nay, số lượng cán bộ, giảng viên cơ hữu của Khoa là 22 người, trong đó có 3 PGS,TS; 8 TS; 4 NCS và 7 ThS cùng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các nhà báo dày dặn kinh nghiệm đến từ các đài PT-TH, các cơ quan báo mạng. Giảng viên của Khoa có nền tảng kiến thức vững vàng và phương pháp giảng dạy hiện đại, có kĩ năng sử dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động giảng dạy như sáng tạo bài giảng trực tuyến e-Learning, sử dụng các phương tiện và phần mềm công nghệ để tổ chức các hoạt động dạy học báo chí sinh động. Đã có nhiều giảng viên của Khoa Phát thanh – Truyền hình đạt danh hiệu Giảng viên giảng dạy xuất sắc cấp Bộ, nhiều giảng viên tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh trong chương trình đào tạo quốc tế, nhiều giảng viên là giám khảo thường niên của các giải báo chí lớn của đất nước như: Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí Búa liềm vàng, Liên hoan Phát thanh Truyền hình toàn quốc…”

Khoa PT-TH tổ chức Hội thảo khoa học về lồng ghép chủ đề Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giảng dạy báo chí

Đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, đào tạo

Trước sự thay đổi của báo chí dưới tác động của công nghệ và môi trường truyền thông số, Khoa có những điều chỉnh để thích ứng với thực tiễn, đã xây dựng và triển khai các môn học mới như: môn báo chí dữ liệu, báo chí trên điện thoại di động, tổ chức sản xuất siêu tác phẩm báo chí, báo chí và truyền thông xã hội. Chương trình đổi mới theo hướng trang bị cho sinh viên những kiến thức vừa đủ rộng vừa chuyên sâu, đáp ứng được môi trường báo chí - truyền thông thay đổi liên tục.

Ý thức nghiên cứu khoa học vừa đào sâu, nâng cao chất lượng giảng dạy, vừa tạo lập hệ thống học liệu phong phú cho học viên, đến nay, Khoa đã xây dựng được hệ thống sách và giáo trình dày dặn: Giáo trình Ngôn ngữ báo chí, Giáo trình lịch sử báo chí, Giáo trình Luật pháp và đạo đức báo chí, các bộ giáo trình về báo phát thanh, báo truyền hình, báo mạng điện tử, sách chuyên khảo về Báo chí và truyền thông đa phương tiện, báo chí và mạng xã hội … Giảng viên của Khoa tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, nghiên cứu, làm rõ những vấn đề mới, cấp thiết. Khoa tham gia tích cực vào các Hội thảo quốc tế, và có nhiều tham luận có giá trị, nhiều tham kiến dẫn dắt, gợi mở, giải đáp vấn đề từ cả góc độ lý luận và thực tiễn.

PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc HVBCTT khẳng định: “Thời gian qua, nhiều thế hệ giảng viên Khoa PT-TH đã trưởng thành và được phân công đảm nhiệm những vai trò lãnh đạo, trụ cột ở các cơ quan lớn. Thế hệ giảng viên Khoa PT-TH hôm nay là những người trẻ, nhiệt huyết, luôn đoàn kết và vững tin cùng xây dựng khoa trong giai đoạn mới đầy sức sống, trẻ trung và đột phá… Trong suốt chặng đường phát triển Khoa PT-TH đã luôn nỗ lực đổi mới phương pháp đào tạo báo chí theo hướng tăng cường thực hành cho sinh viên, tổ chức các câu lạc bộ nghiệp vụ để gắn kết lý thuyết và thực hành. Khoa cũng luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và đạo tạo cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam”.

Khoa PT-TH nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019.

Đẩy mạnh hợp tác đối ngoại

Khoa PT-TH là đối tác tin cậy nhiều năm nay của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Hiệp hội chống buôn bán động vật hoang dã WCS, Tổ chức Oxfam và Cisdoma, Mạng lưới báo chí trái đất EJN, và tới đây là hợp tác với tổ chức UN Women. Hàng năm, Khoa triển khai các hoạt động hợp tác từ tổ chức tập huấn, lồng ghép giảng dạy đến viết tài liệu, góp phần nâng cao nhận thức, kĩ năng cho các nhà báo về các vấn đề nóng hổi và quan trọng của đời sống. Nhờ tận dụng công nghệ nên những năm vừa qua, dù đại dịch COVID-19 hoành hành, Khoa Phát thanh và Truyền hình vẫn triển khai thành công và hiệu quả nhiều hoạt động hợp tác quốc tế.

PGS,TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, nguyên là Phó Trưởng Khoa PT-TH rất bồi hồi xúc động về những ngày công tác tại khoa và đã bày tỏ ấn tượng với những kết quả mà Khoa đạt được trong thời gian qua, đồng thời thể hiện cảm kích nỗ lực đóng góp của Khoa cũng như ghi nhận các thành tích của Khoa trong suốt chặng đường 40 năm qua. Đặc biệt là cách làm, bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương pháp đào tạo, phương thức giảng dạy ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, đối ngoại với các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước. Ông đề nghị Khoa cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy, để trở thành cái nôi cho ngành PT-TH cả nước…”.

Như vậy, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, khẳng định thương hiệu của Khoa, góp phần đóng góp tích cực trong sự nghiệp đào tạo báo chí của đất nước, mỗi cán bộ giảng viên luôn xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi là đào tạo, bồi dưỡng nên những nhà báo giỏi nghề, có tâm, đức với nghề, biết chia sẻ thương yêu, tôn trọng tập thể, đoàn kết cộng đồng, không ngừng tìm tòi, đổi mới về nội dung, phương thức dạy và học, không ngừng đặt mình trong bối cảnh môi trường 4.0 phát triển mạnh mẽ, xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá ngày càng phát triển.

TS Hoàng Anh Tuấn