
Báo điện tử truyền thông về hình ảnh Cảnh sát Giao thông
-
Hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) đã trở thành đối tượng phản ánh ở tất
cả các loại hình truyền thông đại chúng. Trong đó, báo điện tử chiếm ưu thế hơn so với
các loại hình thông tin khác.
Nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp tại một điểm thi Đại học năm 2016. Ảnh: TL
“Cầu nối” giữa CSGT với công chúng
Với ưu thế nhanh nhạy trong việc truyền tải thông tin, đa dạng về hình ảnh, phong phú về cách thức thể hiện, thời gian qua, báo điện tử đã nhanh chóng đưa các thông tin chính thống mang tính định hướng, giúp bạn đọc nhận rõ những thông tin chưa chính xác về CSGT, hạn chế được dư luận xấu, sự hoài nghi lan truyền trong xã hội. Với lợi thế về không gian, báo điện tử cũng đăng tải nhiều hình ảnh sinh động, audio, clip... về hoạt động của lực lượng CSGT giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn trước mỗi sự việc.
Bên cạnh đó, báo điện tử cũng tích cực tham gia giám sát các hoạt động, công tác của CSGT; kịp thời phát hiện, phản ánh những hành vi sai phạm, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong công tác cũng như trong sinh hoạt, quan hệ với quần chúng nhân dân. Qua đó, giúp lãnh đạo công an các cấp kịp thời xử lý, chấn chỉnh nhằm xây dựng lực lượng CSGT ngày càng “kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trong mưa bão tại Tuần lễ APEC Đà Nẵng vừa qua. Ảnh: TL
Hình ảnh CSGT trên báo điện tử hiện nay
Một là, các tin bài trên báo điện tử đã cơ bản phản ánh được đầy đủ các mặt công tác của CSGT trên cả hai phương diện: Tuyên truyền, biểu dương những thành tích, chiến công; phát hiện, phản ánh những hành vi sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ trong công tác cũng như trong sinh hoạt, quan hệ với nhân dân. Qua khảo sát, trong thời gian 1 năm (từ tháng 6/2016 - 7/2017), trên 3 tờ báo điện tử: cand.com.vn; baogiaothong.vn; tuoitre.vn có 571 tin, bài viết phản ánh về lực lượng Cảnh sát giao thông. Các tin, bài đã phản ánh khá phong phú và đa dạng, khắc họa chân thực về người chiến sĩ giao thông trong công việc và hoạt động dân vận... Trong đó có 527 tin, bài (chiếm 92 %) có nội dung ca ngợi hình ảnh đẹp của người CSGT và 44 tin, bài (chiếm 8%) phản ánh về những hình ảnh chưa đẹp của lực lượng.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin nhanh nhạy, có sức lan tỏa lớn, nhiều cơ quan báo điện tử hiện nay đang có xu hướng chỉ trích, phản ánh một chiều, phê phán thiếu tính xây dựng đối với CSGT, do đó chưa mang lại hiệu quả tuyên truyền tích cực. Định kiến này xuất phát từ thực tế, trong lực lượng CSGT còn xuất hiện một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có tác phong, lễ tiết, văn hóa ứng xử chưa tốt, thậm chí có những hành visai phạm (điển hình nhất là nạn nhận mãi lộ) nên đã hình thành nếp nghĩ “hễ nhắc đến CSGT là tiêu cực” trong dư luận.
Hai là , theo thị hiếu của bạn đọc online hiện nay, những bài viết về gương sáng CSGT ít được quan tâm hơn so với những thông tin “giật gân câu khách” nên lượng view không lớn, độ “phủ sóng” của thông tin không rộng.
Ba là, hình ảnh CSGT xuất hiện với tần suất khá nhiều, nhưng nội dung chưa thực sự phong phú và đa dạng, chủ yếu tập trung vào hoạt động tuần tra, kiểm soát; những nghĩa cử cao đẹp của CSGT; việc xử lí hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực giao thông chưa quan tâm đến các bài viết có tính lý luận, tính chiến đấu và thuyết phục cao, bài viết về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến chưa có chiều sâu, có sức lan tỏa chưa nhiều... Đặc biệt, hình ảnh nữ CSGT chưa thực sự được quan tâm, phản ánh đúng mức trên báo điện tử.
Những hạn chế về thể loại báo chí, ứng dụng thông tin đồ họa, các yếu tố đa phương tiện cũng là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả tuyên truyền về hình ảnh CSGT trên báo điện tử hiện nay.
Ngày 30/11 vừa qua, một chiến sỹ CSGT của Cục C67 đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: TL
Đi tìm giải pháp
Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần đồng hành với CSGT trên trận tuyến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, để CSGT không đơn độc trên trận tuyến này, cần sự phối hợp, quan tâm của các cơ quan báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng. Báo điện tử cần chủ động tuyên truyền, động viên, cổ vũ, biểu dương gương sáng tận tụy, hy sinh của CSGT. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan báo chí cần có những định hướng cụ thể cho phóng viên, cần xây dựng hình ảnh CSGT trên tinh thần thiện chí, tránh nhìn nhận và phản ánh thông tin phiến diện, một chiều.
Thứ hai,nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí phản ánh về hình ảnh CSGT. Thực tế hiện nay, thông tin phản ánh trên báo điện tử về CSGT chủ yếu dừng lại ở tin, bài phản ánh, ít bài phân tích, bình luận, chuyên sâu, phản bác các luận điệu sai trái của các phần tử xấu. Để tháo gỡ thực trạng này, các cơ quan báo chí cần tăng cường những bài viết sắc bén hơn.
Thứ ba, các báo nên chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông tăng cường đăng tải tin, bài, ảnh, tuyên truyền hình ảnh đẹp, gương người tốt: Những câu chuyện, những kỉ niệm vui buồn của chiến sĩ khi làm nhiệm vụ; thậm chí chuyện đời thường của họ. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các tin, bài về hình ảnh nữ chiến sĩ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên chuyên trách mảng đề tài CSGT. Mỗi phóng viên phải gắn bó chặt chẽ với lực lượng CSGT để phản ánh đầy đủ tình hình, hoạt động, trực tiếp quan sát, nắm bắt tình hình, qua đó có được sự thấu hiểu, nắm vững các quy tắc nghề nghiệp và các quy định của pháp luật trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để có những trang viết hấp dẫn và sinh động.
Thứ năm, hầu hết các báo khác chưa có các chuyên mục cố định, thường xuyên, phản ánh sâu về CSGT.
Thứ sáu, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị CSGT với các cơ quan báo chí. Đối với các đơn vị chức năng của ngành Công an (Công tác chính trị, tổ chức cán bộ, thanh tra...); lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp (Cục Cảnh sát Giao thông; Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an các tỉnh thành phố; Đội cảnh sát Giao thông Công an các quận, huyện)
Chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong việc trao đổi, cung cấp thông tin giúp các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phản ánh nhanh, chính xác, góp phần định hướng dư luận, xử lý hiệu quả các vụ việc, sự kiện “nóng” xảy ra; phối hợp kiểm tra, xem xét những thông tin có liên quan đến trách nhiệm của lực lượng CSGT trước các vụ việc để báo chí có thông tin chính xác, kịp thời tới bạn đọc. Đặc biệt, có các kế hoạch tăng cường đăng tải tin, bài, ảnh, thời lượng phát sóng phản ánh khách quan, sinh động hình ảnh đẹp, những chiến công xuất sắc của CSGT./.
Nguyễn Thị Hải Anh

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
